Năm học mới, ngành giáo dục tiếp tục hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh, những công dân của thế kỷ 21, đáp ứng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Một tiết học liên môn giáo dục công dân và địa lý với phần biểu diễn kịch của học sinh. Ảnh: D.Bình |
Áp dụng nhiều hình thức dạy mới
Những hình thức dạy học mới đã và đang được triển khai như: Dạy học qua dự án, dạy theo chủ đề, dạy học nêu vấn đề, dạy học tích hợp liên môn, học qua trò chơi, thực hành. Đặc biệt thực hiện dự án STEM (viết tắt của các từ Science, Technology, Engineering và Math) là phương pháp giáo dục tiên tiến nhằm trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng STEM được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Những phương pháp mới, tiên tiến nêu trên, nếu được nhà trường thực hiện tốt, sẽ khắc phục dần lối dạy từ chương, dạy tủ, áp đặt, rập khuôn; sẽ không còn tình trạng học thuộc lòng để trả bài như con vẹt hoặc làm bài tập một cách máy móc. Học sinh không còn tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà tiến hành các hoạt động đa dạng trong và ngoài nhà trường. Với nhiều hoạt động thực hành và trải nghiệm sáng tạo, các em sẽ hình thành tư duy độc lập, tư duy logic, sáng tạo. Từ đó, các em có cơ hội phát triển năng lực và các kỹ năng mềm toàn diện hơn, ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Tôi xin nêu vài ví dụ về hình thức học tập mới ở bậc THCS, THPT để phụ huynh dễ hình dung: Khi dạy theo chủ đề hay tích hợp liên môn, giáo viên sẽ giao đề tài cho học sinh tìm hiểu. Các em sẽ nghiên cứu, tìm tư liệu và trình bày trước lớp bằng cách thuyết trình, hay biểu diễn (diễn kịch, hát, ngâm thơ); có khi trình bày sản phẩm: vẽ tranh, giới thiệu tư liệu, chiếu phim. Có lúc làm thí nghiệm, thực hành, quan sát hiện tượng, ghi nhận tiến trình để trả lời câu hỏi, phân tích, đánh giá, rút ra kết luận. Khi tiến hành nghiên cứu khoa học hay làm dự án, các em còn mở rộng không gian hoạt động: họp nhóm ở nhà bạn, có khi phải ra bên ngoài, đến công ty, nhà máy, vườn cây, siêu thị… để khảo sát, phỏng vấn, lấy tư liệu; phải sử dụng thiết bị như: máy tính, máy quay phim, chụp ảnh, máy chiếu, máy in. Thông qua các hoạt động tích cực và đa dạng, các em sẽ được rèn nhiều năng lực như: Giải quyết vấn đề, tự chủ – tự học, sử dụng CNTT, hợp tác, giao tiếp, ngôn ngữ, tính toán, thẩm mỹ và thể chất…
Thay đổi cách “nghĩ” và “làm”
Phụ huynh cần tìm hiểu về mục tiêu giáo dục mới, trang bị tư duy mới, từ đó sẽ thay đổi cách “nghĩ” và “làm” để giúp con học tập hiệu quả. Thứ nhất, thay vì cho con đi học thêm để nhồi nhét kiến thức, phụ huynh cần tạo phương tiện và thời gian để con tự học, tự làm những bài tập thực hành ở nhà. Thứ hai, thay vì nôn nóng làm thay con, phụ huynh cần tạo điều kiện cho con sử dụng máy tính và các phương tiện để truy cập thông tin, tìm tư liệu, nguyên liệu, tạo sản phẩm. Thứ ba, thay vì cung cấp bài mẫu làm sẵn, trả lời nhanh các câu hỏi của con, phụ huynh cần kiên nhẫn tìm hiểu kỹ yêu cầu của đề, đặt tình huống cho con suy nghĩ, dạy con cách lập luận, giải quyết vấn đề. Vì “Kiến thức chỉ có được qua tư duy của con người” (A. Einstein”). Thứ tư, thay vì “nhốt” con ở nhà, cha mẹ sẽ giúp con phương tiện để đi ra bên ngoài quan sát, cảm nhận, khảo sát, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh…, để thực hiện bài tập, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. “Không những học ở sách, mà còn phải học ở cuộc sống nữa” (N. Crúp-xcai-a).
Cha mẹ là nhân tố quan trọng trong việc giúp con em đứng vững trên đôi chân của mình, tự tin vững chãi bước vào đời, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của một đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế. |
Để giúp con phát triển năng lực tìm hiểu các vấn đề tự nhiên, xã hội, phụ huynh khuyến khích con xem thời sự trên ti vi, siêng đọc sách báo, tăng cường học ngoại ngữ để cập nhật kiến thức thế giới…; hoặc tranh thủ những chuyến tham quan, gợi ý con quan sát thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống, đặt ra những câu hỏi, tạo tình huống để con giải quyết. Có vốn sống thực tế, trẻ sẽ dễ dàng thực hiện những đề tài do giáo viên giao.
Năng lực thể chất có được thông qua ăn uống đúng cách, rèn luyện thân thể, kể cả sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý. Phụ huynh hướng dẫn con sinh hoạt điều độ, sống thích ứng và hài hòa với môi trường, không thức khuya, kể cả khắc phục tình trạng mê chơi game hoặc nghiện máy tính… cũng là biện pháp giúp con giữ gìn sức khỏe.
Thương con nhưng không thể theo con suốt đời, vậy thì cha mẹ nên giao cho con “cái cần câu” thay vì “con cá”. Cần câu đó chính là phương pháp tự học, phương pháp tư duy và các kỹ năng cần thiết giúp phát triển năng lực, phẩm chất một cách tốt nhất.
Trần Thị Minh Thi
Bình luận (0)