Ngoài việc cung cấp những kiến thức về quá trình hình thành và phát triển của các nền văn minh tiêu biểu trong lịch sử nhân loại, tôi mong muốn môn học “Lịch sử các nền văn minh thế giới” mà tôi trực tiếp đứng lớp cũng là dịp để khơi dậy ở sinh viên tinh thần phản biện đối với những vấn đề liên quan đến văn minh.
Chúng ta dành sự lo lắng đặc biệt khi nghĩ đến hố đen của vũ trụ – nơi mà chúng ta tin rằng tất cả mọi thứ đều sẽ bị tiêu hủy vô tăm tích, nhưng có lẽ chính chúng ta đang tự đào hố chôn mình và cả muôn loài bởi một số phát kiến, phát minh nhân danh khoa học, nhân danh văn minh phát triển. Hãy xem những hệ lụy nhãn tiền về biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên và mực nước biển ngày càng dâng cao. Hãy xem sự phát triển khó lường về những căn bệnh lạ mới xuất hiện do sử dụng thực phẩm bẩn hoặc chứa nhiều độc tố, hay do sử dụng các loại hàng tiêu dùng kém chất lượng. Hãy xem những chấn thương về mặt tâm lý mà ngày càng có nhiều người ở nhiều quốc gia mắc phải do không thích nghi được với nhịp sống hiện đại, với xu hướng máy móc hóa.
Xuất phát từ những ý niệm mang tính phản biện trên, trong một buổi học của chương trình “Lịch sử các nền văn minh thế giới”, tôi hướng dẫn sinh viên cùng tìm hiểu về chủ đề mặt trái của văn minh. Theo đó, tại buổi học, các em đã có những ý kiến mà tôi tin rằng, nếu được lan tỏa, những ý kiến đó sẽ chuyển hóa thành nhận thức tốt đẹp và hành động đúng đắn của nhiều người trong cộng đồng, từ đó xây dựng môi trường sống thiện lành hơn, không chỉ cho con người mà còn cho muôn loài.
Có nhóm đã trình bày quan điểm phê phán những phát minh sinh học, hóa học nhằm chạy theo lợi nhuận kinh tế với các loại thuốc kích thích tăng trưởng cho thực vật và tăng trọng cho động vật. Không chỉ khiến cho quá trình phát triển của các giống loài bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực (ví dụ như làm thay đổi kết cấu gien, phát sinh những mầm mống của gien độc…) mà loài người cũng gián tiếp hứng chịu hậu quả (xuất hiện các loại bệnh lạ, tỷ lệ ung thư tăng cao…) nếu thường xuyên sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc bị khoa học can thiệp này. Một nhóm khác cũng cất tiếng nói thay cho đất mẹ đang bị loài người hành hạ bằng những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng hay phục vụ du lịch ngổn ngang thiếu quy hoạch. Các công trình đôi lúc đã can thiệp một cách thô bạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, làm đảo lộn đời sống quen thuộc của hệ sinh vật. Trở về với tự nhiên là nguyên lý cần được nhận thức bởi loài người từ đó mà ra, trưởng thành và cũng chết đi trong tự nhiên. Khi quan niệm tách rời khỏi tự nhiên chính là chúng ta tước đi quyền lợi và nghĩa vụ sống của bản thân mình. Cùng một vấn đề này, một nhóm khác đã kể lại các hoạt động của những tổ chức tình nguyện nhằm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của con người với thiên nhiên…
Và một buổi học như thế, khiến tôi có suy nghĩ, sao cho mỗi buổi học đều lan tỏa một thông điệp nhất định, để kiến thức tưởng chừng xơ cứng được chuyển hóa thành điều giản dị bên chúng ta hàng ngày.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)