Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vượt qua mặc cảm với việc viết

Tạp Chí Giáo Dục

Có nhiều lý do khiến học sinh còn ngần ngại với việc viết. Một trong số đó là tâm lý mặc cảm với việc viết. Các em tự gán cho mình suy nghĩ thiếu tích cực rằng bản thân không có năng khiếu về chuyện viết. Đó có thể là do trong quá khứ, khả năng viết của các em từng bị ai đó phê phán một cách thiếu tế nhị. Chẳng hạn như từng bị thầy cô, người thân hoặc một người lớn nào đó phê bình là viết kém. Hẳn đó là những ký ức muốn vùi chôn trong quên lãng. Có thể người nói không có ý xấu nhưng những lời lẽ nhận xét chưa tích cực về bài viết đã trở thành nỗi ám ảnh các em theo thời gian. Một áp lực vô hình cứ xuất hiện mỗi khi các em muốn viết một sản phẩm gì đó cho hoàn hảo. Từ đó, các em cảm thấy thật khó để đối diện với việc viết. Vậy làm sao để vượt qua mặc cảm về viết?

Có một sự thật là, dù muốn dù không, văn bản của chúng ta (cũng như chính bản thân chúng ta) luôn bị đánh giá. Quan tâm đến phản hồi của độc giả là một khâu quan trọng trong quá trình viết, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải sa đà vào những cảm xúc tiêu cực có từ những phản hồi đó. Hãy phân loại những hồi đáp của độc giả thành hai loại: tích cực và chưa tích cực. Những nhận định tích cực, ngợi khen, động viên thì chúng ta cố gắng phát huy, phát triển theo lời khuyên, nhưng cũng đừng vội tự hài lòng. Còn những phê bình chưa tích cực thì chúng ta tiếp tục phân loại, đâu là phê bình có tính xây dựng, đâu là phê bình có tính đả phá, gây hại. Với những góp ý có thiện chí, chúng ta hãy thẳng thắn đối diện, cảm nhận rõ thực trạng của vấn đề, và tìm kiếm giải pháp giải quyết, thay vì tiếp tục than vãn hay trở nên tự ti, mặc cảm. Với những phê phán gây hại, nếu chúng ta cảm thấy chán nản với việc viết thì đó chính là những gì mà chủ nhân của lời phê bình mong đợi. 

Không riêng đối với trải nghiệm viết, trong bất kỳ hoạt động nào khác của cuộc sống, mỗi lời khuyên, góp ý đều có tác dụng thúc đẩy chúng ta phát triển. Còn phát triển theo hướng nào là do khả năng tiếp nhận, sức đề kháng của mỗi người. Hãy luôn chủ động, tự tin cùng với việc viết, sẵn sàng lắng nghe những khuyên nhủ để trau rèn khả năng viết. Bất kỳ ai cũng có thể viết tốt, viết hay, chỉ cần chăm chỉ rèn luyện, tự tin lắng nghe những góp ý chân thành.

Đơn Thun

 

Bình luận (0)