Vừa qua, liên quan đến sách giáo khoa công nghệ giáo dục (CNGD), một số người đã dẫn lại những từ, những chuyện trong sách mà họ cho là bất hợp lý, để từ đó công kích sách giáo khoa này đã dạy sai hay ít nhất cũng dạy không trong sáng tiếng Việt.
Một tiết học môn ngữ văn ở bậc THPT |
Dường như trong cơn “phẫn nộ” với sách giáo khoa CNGD, người ta trở thành những người chuyên “bới lông tìm vết” chỉ ra rất nhiều chỗ vốn không đáng là nguyên nhân để bức xúc nhưng lại thành những điều bị công kích. Một trong những vấn đề đó là câu chuyện về từ “gà qué”.
Có người tỏ ra bức xúc: bộ hết từ sao mà dùng từ “gà qué”, vậy “qué” là gì, là tiếng địa phương hay tiếng phổ thông? Về vấn đề này, lẽ ra khi cộng đồng mạng thắc mắc về từ “gà qué” thì báo chí nên hỏi ý kiến các chuyên gia về ngôn ngữ để giải thích cho rõ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ gợi ý về một hiện tượng ngữ nghĩa của tiếng Việt, chứ không đi sâu vào lý giải các từ cụ thể.
1. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng tiếng Việt có những từ đơn và từ ghép. Từ đơn là từ có một tiếng. Từ ghép là một từ được ghép từ những tiếng có quan hệ nghĩa với nhau; có hai loại từ ghép, từ ghép chính phụ là từ ghép có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau; nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của các tiếng tạo ra nó. Thí dụ: bà ngoại, xe đạp, cỏ đuôi phụng, nhà tranh… Từ ghép đẳng lập là từ ghép không phân ra tiếng chính, tiếng phụ, các tiếng bình đẳng với nhau; nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó. Thí dụ: nhà cửa, sách vở, ruộng vườn, cây cỏ…
Trong từ ghép đẳng lập, có những từ bao gồm các thành tố mang rõ nghĩa hoặc nghĩa của nó hiện vẫn còn được sử dụng rộng rãi, nhưng cũng có những từ một thành tố mang rõ nghĩa, còn thành tố kia có nghĩa mờ hơn (nhưng không phải là nghĩa phụ) hoặc nghĩa đó hiện ít còn được dùng. Chẳng hạn, “nhà cửa” không mang ý là cái nhà và cái cửa mà chỉ nhà nói chung, cả hai từ “nhà” và cửa” đều có nghĩa rõ ràng, được sử dụng rộng rãi, nhưng khi ghép lại thì mang nghĩa rộng hơn nghĩa của từng từ “nhà” hay “cửa”. Nhưng với “xe cộ”, tức nói chung về xe (có thể là xe đạp, xe thồ, xe máy, ô tô, xe ngựa…) thì thành tố “xe” có nghĩa đậm hơn, còn “cộ” thì hiện ít được dùng. Cộ là loại vật dụng có hình chữ nhật, thường được làm bằng tre hay bằng gỗ, có nẹp xung quanh, bên dưới có khi có càng dọc với hai đầu cong lên ở hai bên để cho trâu bò hoặc người kéo; cộ có thể thường được dùng để kéo lúa hoặc các loại đồ dùng khi làm đồng. Như vậy, “xe” và “cộ” ban đầu đều có các yếu tố nghĩa là: (1) có thể kéo (bằng sức người hoặc vật), (2) có thể chở đồ, (3) chủ yếu di chuyển trên cạn; nhưng càng về sau, “cộ” ít được dùng nên nghĩa nó dần bị mờ đi, trong khi “xe” thì được dùng rộng rãi với nhiều hình thức, nhiều loại.
“Gà qué” là gà nói chung, trong đó “gà” là loài gia cầm quen thuộc, còn “qué” chỉ yếu tố “gà được nuôi”; thí dụ: “Anh lúc này có nuôi gà qué gì không?”. Còn để hiểu rõ hơn “qué” là gì, xin nhường các nhà ngôn ngữ học! |
2. Trên thực tế, tiếng Việt có nhiều từ có cách cấu tạo tương tự. Chẳng hạn, áo xống, bếp núc, chim chóc, chợ búa, chùa chiền, cỏ rả, đất đai, đồng áng, đường sá, gà qué, giấy má, hỏi han, khách khứa, làng mạc, lúa má, máy móc, no nê, nước nôi, quà cáp, rừng rú, sầu muộn, tuổi tác, vườn tược… Những từ phía sau vốn là từ Việt cổ, hiện đã ít được dùng hoặc chỉ được dùng ở một địa phương nào đó. Về vấn đề này, Báo Giáo dục TP.HCM số ra ngày 4-7-2018 đã có bài Thành tố mờ nghĩa trong từ ghép của tác giả Đỗ Thành Dương lý giải khá chi tiết.
Có người nói rằng, những từ “mờ nghĩa” kia được cho là “từ đệm” với nghĩa đệm vào, thêm vào, thành từ đôi cân xứng, nói nghe đỡ “cụt”, đỡ “cộc”, bản thân nó không có nghĩa khi đứng một mình. Điều này dường như có sự nhầm lẫn ở mấy chỗ: thứ nhất, nó chỉ “đệm vào” nghe cho đỡ cụt; thứ hai, bản thân nó không có nghĩa khi đứng một mình. Bởi xét cho cùng, tại sao lại là đệm bằng từ đó mà không phải là từ khác? Như vậy bản thân nó phải có một liên hệ nào đó về mặt nghĩa, chứ không đơn thuần ghép vào cho vui! Chỉ vì từ đó là bị mờ nghĩa nên ta chỉ thấy nghĩa của từ còn lại, dẫn đến nhiều người tưởng chừng chỉ một từ có nghĩa (trong quan hệ với từ rõ nghĩa, chứ không phải bản thân nó hoàn toàn không có nghĩa gì, thí dụ, trong “chó má”, nếu tách từ “má” đứng riêng thì có nhiều nghĩa, như “má” là một loài rau quen thuộc có tính “giải nhiệt”; là đại từ xưng hô, gọi “mẹ” của người miền Nam; là bộ phận lộ diện và nhạy cảm nhất của mặt người…; nhưng các nghĩa này đều không liên quan gì đến từ “chó” cả!).
Có một điểm đáng lưu ý về thói quen sử dụng ngôn ngữ của người Việt là ít khi nói cộc lốc, nói một tiếng mà vẫn giữ lại yếu tố mờ nghĩa ngay khi chúng ta đều không rõ nghĩa của nó. Đồng thời, việc sử dụng những từ dạng này thường thuộc về khẩu ngữ, khi trò chuyện, chứ ít khi được dùng trong ngôn ngữ nghệ thuật.
Trúc Giang
Bình luận (0)