Lộ trình thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) của Bộ GD-ĐT tưởng đã êm xuôi đâu vào đấy, chỉ chờ ngày áp dụng, ngờ đâu dư luận xã hội dấy lên nghi vấn đặt lại vấn đề này về tính thực thi và hiệu quả của nó mang lại.
Học sinh lớp 7 trong tiết học môn vật lý. Ảnh: Anh Khôi |
Còn nhiều bất thuận
Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vào ngày 12-9 mới đây, khi cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, một số đại biểu QH phản đối quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng trong giảng dạy, học tập. Nguyên nhân chính là các đại biểu này sợ rằng khi sử dụng nhiều bộ SGK sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất của chương trình giáo dục trên toàn quốc, bất cập trong giảng dạy chung của các địa phương. Có ý kiến đã nêu rõ ra, và báo chí cũng đã phản ánh rằng: “Không thể có SGK tự chọn được. Không thể trường này muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy là không thể được”. Đến nỗi, chính GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới) phải trăn trở với báo chí: “Đừng sợ phức tạp mà không thực hiện nhiều bộ SGK!”.
Tuy nhiên, có điều là, từ năm 2014, QH từng ra nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung xã hội hóa biên soạn SGK, có nhiều bộ sách cho mỗi môn học. Các trường phổ thông, giáo viên, học sinh và phụ huynh được quyền lựa chọn để dạy và học. Vì sao có sự thay đổi thái độ ở một số đại biểu QH như thế?
Về phía nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh, nếu chịu khó làm một cuộc khảo sát để lấy ý kiến chung của cả nước về chủ trương này, chúng tôi cho rằng sẽ có một nửa trong tổng số khảo sát ấy hoan nghênh ủng hộ. Nửa còn lại dè dặt, nghi ngờ. Số ủng hộ xuất phát từ những mặt tích cực, tiện ích của việc tự do được lựa chọn SGK mà mình yêu thích, phù hợp với thực tế giảng dạy ở địa phương mình, của trường mình. Tránh được sự áp đặt nặng nề, cứng nhắc, hàn lâm về kiến thức. Tạo thích thú cho việc dạy và học… Số e dè cũng có lý do riêng để biện hộ: Thống nhất để có sự đồng bộ về chương trình, để tiện lợi trong việc giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá. Vả lại theo họ, SGK chỉ là phần “nền” của kiến thức cơ bản, quan trọng là sự sáng tạo của giáo viên, là những tài liệu tham khảo thêm ngoài nó.
SGK đã nhiều lần thay đổi Năm 2000, Bộ GD-ĐT chủ trương chỉnh lý, hợp nhất SGK trên cơ sở từ hai bộ sách (miền Bắc do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì biên soạn, và miền Nam do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM chủ trì biên soạn), SGK môn văn của bậc THPT cũng đã có thêm một lần thay đổi. Lộ trình thực hiện theo hình thức cuốn chiếu của các năm 2006, 2007, 2008 tương ứng với các lớp 10, 11, 12. Đây là lần đổi mới có tính đột phá: môn văn được soạn theo hướng tích hợp của ba phân môn (văn học, làm văn và tiếng Việt) thành một bộ môn có tên gọi chung là ngữ văn, cùng với chủ trương là phát huy vai trò của người học. |
Tuy vậy, có một nguyên nhân lớn nhất, trở thành điểm gặp gỡ chung của hai luồng ý kiến trên là, hầu hết giáo viên và học sinh rất mơ hồ, băn khoăn về chủ trương này: Ai là người viết và được quyền viết? Tiến độ, lộ trình thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn ra sao? Chất lượng? Cách xử lý những hệ lụy kéo theo như kiểm tra, đánh giá ra sao? Rồi tốn kém tài chính?… Chúng tôi cho rằng những ý kiến trái chiều từ các bình luận trên báo thời gian qua, những phát biểu bất thuận của các đại biểu QH vừa rồi đều xuất phát từ những khúc mắc này.
Cần những giải pháp cụ thể
Chúng tôi vẫn cho rằng, một chương trình và nhiều bộ SGK là một chủ trương đúng hướng, cần thiết. Phù hợp xu thế thế giới và tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, có thể nói, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng xong, cũng như các chương trình môn học cụ thể (hiện một số môn học đã xong, một số môn đang chờ hoàn tất), đều được viết theo định hướng gợi mở, tạo thuận lợi cho việc giáo viên và học sinh tự do lựa chọn SGK để dạy, để học. Chẳng hạn môn ngữ văn, việc đưa thêm phần tự chọn (chiếm số lượng không nhỏ), rất cần đến sự phong phú của SGK, tài liệu để người dạy và học tự chọn.
Cho nên, điều quan trọng nhất để có được sự đồng thuận về chủ trương này là cần xây dựng để công bố cho xã hội thấy rõ những lộ trình và cách thức thực hiện cụ thể như thế nào về các điểm khúc mắc như đã nói ở trên. Chẳng hạn, trước đây GS.TS Huỳnh Như Phương (Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM) đã công phu góp ý và chỉ ra lộ trình biên soạn SGK cụ thể các khâu như thế nào. Một điểm quan trọng nữa là cần tạo dựng được niềm tin. Bấy lâu nay niềm tin về sự ổn định vững chắc của giáo dục trong dư luận mất đi khá nhiều. Vì vậy, giáo viên, học sinh và cả xã hội chưa tin vào sự thành công và ổn định của thay đổi là lẽ thường tình. Mà muốn có niềm tin ấy thì cần phải có những giải pháp cụ thể đi kèm song song với chủ trương khi công bố thực hiện.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)