Bộ GD-ĐT vừa có buổi làm việc với hai trường đi đầu về giáo dục STEM tại TP.HCM là Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) và Trường THPT Nguyễn Du (Q.10). Tại hai trường trên, những chuyên gia đầu ngành về giáo dục STEM đã được quan sát các giờ học STEM, lắng nghe những băn khoăn, trăn trở của giáo viên trong quá trình thiết kế một bài giảng STEM.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) trao đổi với các em học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn về việc giáo dục STEM |
Học làm phi hành gia
Giờ học vật lý ở lớp 7/13 Trường THCS Lê Quý Đôn diễn ra vô cùng thú vị. Với bài giảng về Ứng dụng của định luật truyền thẳng ánh sáng, hơn 30 học sinh trong lớp đã được đóng vai phi hành gia để trực tiếp trải nghiệm… ngoài không gian, quan sát hiện tượng nhật thực, nguyệt thực qua kính thực tế ảo. Lần đầu tiên được tận mắt thấy những chuyển động chân thực ngoài không gian, học sinh trong lớp tỏ ra vô cùng thích thú. Em nào cũng “mắt chữ a, miệng chữ o”. Không giấu được sự kinh ngạc, em La Minh Thành cho hay, cảm giác như mình đang đứng ngoài vũ trụ vậy, không còn là những tưởng tượng về mặt trời, mặt trăng, trái đất, mọi thứ cứ hiện ra hết sức rõ ràng.
“Trước kia, để dạy bài này giáo viên thường dùng mô hình thô sơ để minh họa. Mặt trời là điện nguồn, trái đất là trái banh lớn, mặt trăng là trái banh nhỏ. Các em phải dùng trí tưởng tượng của mình để hiểu bài. Còn với kính thực tế ảo, các em được tự mình nhìn thấy, quan sát và cảm nhận thấy mọi chuyển động, quá trình, y như một nhà du hành gia vậy”, cô Cao Phan Hà Vy (giáo viên môn vật lý của trường) chia sẻ. Theo cô Vy, đây là năm học đầu tiên nhà trường áp dụng mô hình giáo dục STEM bằng kính thực tế ảo. Với hình thức này, bất kể môn học nào cũng trở nên sinh động, chân thực đến từng… kiến thức. Học sinh được tự trải nghiệm, tự rút ra kiến thức.
Ngoài phòng học STEM bằng kính thực tế ảo, năm học này Trường THCS Lê Quý Đôn cũng chủ động đưa vào phòng học khoa học ngoại ngữ bằng iPad; nhà kính vườn sinh vật 4.0, trồng rau sạch và quản lý vườn sinh vật bằng phần mềm trên nền tảng Internet of Things theo định hướng giáo dục STEM. Năm học trước đó, trường cũng đưa vào sử dụng phòng thực hành STEAM bài bản, quy mô. Tính đến thời điểm này, Trường THCS Lê Quý Đôn là trường đầu tiên tại TP.HCM mạnh tay đưa các mô hình giáo dục hiện đại để triển khai giáo dục STEM. Từ thực tế triển khai tại trường, TS. Phạm Đăng Khoa (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, việc đưa giáo dục STEM vào bài giảng thường được nhà trường làm theo các chuyên đề có sản phẩm cụ thể, không chia theo môn học mà kết hợp các môn. Thông qua các sản phẩm, giáo viên sẽ hỗ trợ, hướng dẫn sâu hơn từng kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, TS. Phạm Đăng Khoa cũng băn khoăn rằng, để triển khai cần phải có sự “co kéo” thời gian và người giáo viên phải thật sự tâm huyết.
Câu chuyện thử và sai
Đứng ở góc độ quản lý, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho rằng với giáo dục STEM dường như chúng ta mới chỉ đang thay đổi phương pháp giáo dục mà chưa có sự thay đổi giáo trình, cấu trúc chương trình, thời lượng kiến thức thực tiễn trong chương trình và quan trọng không kém là cơ sở vật chất.
“Giáo dục STEM nhất định phải gắn với chương trình chứ không phải là một phương pháp thêm vào chương trình. Dùng chính thời gian của chương trình để học sinh tự thiết kế đưa ra các giải pháp, chứng minh được các giải pháp đó, từ đó hiểu ra kiến thức của bài học”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói. |
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT), có một thực tế hiện nay là khi đổi mới phương pháp các thầy cô thường than “mệt”. Thế nhưng, chính các thầy cô lại đang thêm việc cho chính mình. Bởi đổi mới phương pháp là người giáo viên phải thấy nhàn nhã hơn. “Các thầy cô thường coi STEM là một phương thức thêm vào chương trình mà chưa khi nào coi đó là phương pháp để truyền tải chính chương trình. Thông thường, các thầy cô sẽ dạy bài học trước sau đó mới cho học sinh trải nghiệm. Hoàn toàn không phải như thế. Hãy để cho học sinh được tự mình tìm hiểu các kiến thức đó thông qua chính các giải pháp, quá trình thực hiện giải pháp. Dù là đưa ra những cách tiếp cận nào, nhất định cũng cần phải cho học sinh học được cách tò mò, dần tiến tới ứng dụng vào thực tế…”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Về vấn đề thời gian áp dụng giáo dục STEM, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết các thầy cô có thể tìm trong chính chương trình thời gian nào để tận dụng, quản lý lại để có thêm thời gian ngoài thời khóa biểu. Bộ GD-ĐT cho phép các thầy cô dùng chính quá trình kiểm tra để cho điểm học sinh đồng thời giao quyền cho tổ bộ môn các trường sắp xếp lại thời gian sao cho phù hợp khi triển khai giáo dục STEM.
Được biết, Bộ GD-ĐT đang triển khai nghiên cứu xác định phương thức giáo dục STEM phù hợp với Việt Nam. Trước tiên, bộ sẽ xây dựng một số chủ đề minh họa về giáo dục STEM ở một số trường tại một số tỉnh. Đồng thời, sẽ để giáo viên các địa phương học tập, áp dụng khi đủ điều kiện. Các chuyên gia giáo dục STEM đến từ nhiều trường ĐH sẽ đồng hành cùng với trường phổ thông thực hiện các chủ đề minh họa đó, để tiến tới giáo dục STEM được áp dụng như một phương thức giáo dục truyền tải trong chương trình giáo dục phổ thông. Tại TP.HCM, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng giáo án thí điểm về giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành tại 8 trường (4 trường THCS và 4 trường THPT).
Quang Long
Bình luận (0)