Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý tiết dự giờ: dễ hay khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Tục ngữ có câu “Dao năng mài năng sắc” để chỉ việc cọ xát, va đập, rèn luyện càng nhiều thì mới có kinh nghiệm, trải nghiệm… Việc dự giờ là hoạt động thường xuyên trong nhà trường và trở thành tiêu chí xét thi đua cuối năm của giáo viên (GV).

Đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng: giờ dạy của GV có các thành viên dự giờ là “giờ diễn kịch”; không thực chất mà chủ yếu để được đánh giá tiết dạy (trở thành hồ sơ lưu của GV trong năm học).

Thực chất, dự giờ đúng nghĩa, góp ý đúng nghĩa sẽ mang lại những lợi ích cho người dạy lẫn người dự. Không ai tự nhiên trở thành GV dạy giỏi, dạy hấp dẫn và được đồng nghiệp quý mến, học sinh thương yêu, tin tưởng. Họ phải cật lực phấn đấu, trải qua nhiều gian nan mới có được như vậy. Trong đó có việc dự giờ, được góp ý của các thành viên qua những bài giảng cụ thể.

Nhưng trên thực tế, có khi việc góp ý cho người dạy còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tổ trưởng, tổ phó của mình. Một cô giáo than rằng: “Thầy ơi, em góp ý cho cô ấy xong, cô ta giận và nói sẽ không nhìn mặt em nữa!”. Tôi hỏi em góp ý với thái độ như thế nào và “giọng điệu góp ý” ra sao mà GV lại tỏ thái độ như vậy?

Thì ra người bạn đồng nghiệp của tôi đã quá thẳng thắn, chỉ ra mặt yếu nhiều hơn mặt mạnh của bài dạy. Tôi tâm sự: “Vì khi góp ý, có mặt nhiều thầy cô trong tổ thì nếu không “lựa chọn” những ý kiến cần đóng góp thì rất dễ làm cho người được góp ý cảm thấy bị “chê” trước mọi người! Phải chọn những ý kiến nào nói ra; những ý kiến nào trao đổi riêng. Do đó, cần cẩn trọng khi góp ý, kể cả thái độ, ngữ điệu, giọng nói phải nhẹ nhàng, ôn tồn mới có sức thuyết phục!”.

Góp ý cho giờ dạy cũng cần ghi nhận sự thành công cơ bản; không đi vào những lỗi vụn vặt làm ảnh hưởng việc đánh giá tiết dạy. Không nên khoét sâu vào một khuyết điểm (nếu có) mà cần nhìn hạn chế đó với sự bao dung; tin rằng bạn mình sẽ khắc phục ở những tiết dạy trong thời gian tới.

Mặt khác, có những khuyết điểm thuộc về chủ quan hoặc những vấn đề tế nhị thì nên gặp riêng để trao đổi thì người nghe mới “tâm phục khẩu phục”. Lúc đó, người nghe mới thấy mình được tin tưởng, được tôn trọng nên sẽ hết lời cảm ơn và không quên những lời chân thực của đồng nghiệp.

Về phía người được góp ý, cũng cần tỏ thái độ cầu thị, hợp tác vì chỉ có đồng nghiệp luôn mong muốn cho mình ngày càng hoàn thiện hơn thì người ta mới nói thật lòng. Trong những lời ấy, có những lời không vui nhưng thói thường “Thuốc đắng” thì luôn “dã tật”; “những nơi cay đắng là nơi thật thà”…

Tôi cũng gặp những GV còn thiếu sự chuẩn bị khi được góp ý. Không mang theo sổ để ghi thì làm sao “phản biện” lại và không ghi thì làm sao nhớ để phát huy mặt mạnh, khắc phục những hạn chế?

Người đời thường nói “nghề dạy nghề” rất đúng với nghề dạy học. Bên cạnh việc dự giờ, góp ý còn có quá trình tự học, tự nâng cao bản lĩnh dạy học của mình. Việc dự giờ trực tiếp sẽ học được rất nhiều điều về năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm; cách xử lý các tình huống xảy ra trong giờ dạy…

Quả thật, góp ý sau tiết dự giờ cũng cần phải học vì đó là cả một nghệ thuật góp ý!

Lê Đc Đng (Sóc Trăng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)