Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao lại “đẩy” cái khó qua giáo viên?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Bộ Giáo dục vừa có công văn yêu cầu giáo viên (GV), nhà trường không cho học sinh (HS) viết vào sách giáo khoa (SGK) để còn sử dụng cho các năm sau đã gây ra nhiều ngạc nhiên cho mọi người. Nếu không nhắc nhở, kiểm tra để HS tự ý viết, vẽ vào SGK thì GV, nhà trường phải chịu trách nhiệm!

Thay vì chấn chỉnh, điều chỉnh cách biên soạn bài tập trong SGK các cấp để HS không thể viết vào kiểu “điền vào chỗ trống” như hiện nay! Rõ ràng đây là việc làm “phần ngọn” mà không làm “phần gốc” của vấn đề! Nhiều phụ huynh khẳng định: họ mua SGK rồi thì họ toàn quyền sử dụng; con em họ có thể viết, vẽ vào sách mà không ảnh hưởng tới ai!

Nay “quả bóng trách nhiệm” bảo quản SGK lại được chuyền về nhà trường, về mỗi GV cụ thể! Không những bây giờ GV lo dạy hết bài, đúng thời gian quy định mà còn thêm “tiết mục mới” là phải đi “rà” từng HS để xem các em có viết vẽ gì trong đó không? Không những bài hôm nay mà phải mở ra từng trang bài trước và sau đó; coi kỹ có “dấu vết lạ” gì không? Thời lượng một tiết học sẽ bị cắt xén 5, 7 phút để làm công việc “trên trời rơi xuống” này!

Vốn chịu rất nhiều áp lực trong dạy học, từ chuyện thi đua cho tới chuyện đạt đủ loại chuẩn; nay GV lại phải thêm áp lực về việc “bảo quản giùm” SGK cho HS! Nếu để xảy ra sự cố nào thì chắc chắn các danh hiệu thi đua cuối năm của GV đó sẽ bị “nhấc lên đặt xuống”. Quả thực, dạy học ngày nay ngày càng khó hơn, vất vả hơn mà đồng lương thì “luôn ổn định” nên lòng yêu nghề mến trẻ có thể bị sút giảm phần nào!

“Cái khó không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên xuất hiện, nó chỉ chuyển đổi từ người này sang người khác” – đó là “định luật bảo toàn về cái khó” mà GV vừa “phát minh”!

Theo tôi, đồng ý là GV có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn HS ý thức bảo quản, giữ gìn SGK vì có thể được dùng cho nhiều năm sau. Nhưng không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho GV được vì GV không thể theo dõi, quán xuyến việc sử dụng SGK của từng HS. Em nào có ý thức cao, ghi chép nhanh thì chép bài tập vào vở và giải; em nào tiếp thu chậm thì viết ngay vào SGK cho kịp thời giờ thì GV cũng không thể nắm được! Đó là một thực tế xảy ra nhiều năm, nhiều cấp học trong nhà trường mà đến nay vẫn chưa khắc phục được…

Nên chăng, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật: vì SGK, sách bài tập soạn ra như thế thì đương nhiên HS sẽ hiểu là… làm thẳng vô luôn cho gọn! Chỉ có cách soạn lại (áp dụng cho SGK mới) là không soạn kiểu “nhử mồi” như SGK, sách bài tập hiện hành thì sẽ khắc phục được tình trạng trên và GV cũng đỡ khổ!

Trường Sa Đông
(Sóc Trăng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)