Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngành nào hút nhân lực trong tương lai?

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết giai đoạn 2019-2025, nhóm ngành nghề thu hút nhân lực là kỹ thuật công nghệ, kinh doanh – thương mại – tài chính – kế toán, dịch vụ…

Sinh viên Trường CĐ Nghề TP.HCM thực hành nghề cơ khí

Những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao

Theo ông Tuấn, định hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam tiếp tục yêu cầu phát triển nhanh chóng nguồn nhân lực ở lĩnh vực công nghệ. Trong đó, ngành công nghệ thông tin với nền tảng là ngành chiến lược vẫn giữ vai trò hàng đầu trong giai đoạn 2019-2025. Ngành này có xu hướng chuyên môn hóa cao độ để hình thành các ngành mới như bảo mật mạng, an toàn thông tin, lập trình ứng dụng di động, lập trình thiết kế game 3D… Đối với nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật ô tô là ngành có tốc độ phát triển nhanh với nhu cầu nhân lực lớn. Các ngành khác như điện, điện tử, cơ khí phát triển theo hướng hiện đại hóa, đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng cập nhật kiến thức mới. Cụ thể, nhu cầu nhân lực 4 nhóm ngành công nghệ kỹ thuật trọng yếu tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025 là: điện tử – công nghệ thông tin cần 24.000 người/năm; cơ khí: 15.000 người/năm; chế biến tinh lương thực thực phẩm: 12.000 người/năm và hóa chất – nhựa cao su: 12.000 người/năm.

Xuất phát từ chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng khu vực dịch vụ, các ngành nổi bật thuộc lĩnh vực kinh doanh – thương mại – kế toán – tài chính đang và sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong thời gian tới. Bên cạnh các ngành truyền thống như quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng thì các chuyên ngành tương đối trẻ hơn như marketing, logistics, thương mại điện tử, tín dụng, bảo hiểm, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế… cũng cần nhân lực tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo đó, nhu cầu nhân lực nhóm ngành kinh doanh – thương mại – kế toán – tài chính tại TP.HCM là: thương mại: 39.000 người/năm; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (logistics): 15.000 người/năm; dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin: 15.000 người/năm; kinh doanh tài sản, bất động sản: 12.000 người/năm; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm: 12.000 người/năm; dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và phát triển: 9.000 người/năm.

Việc làm tăng hơn 14%/năm vào năm 2025

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Có 8 ngành nghề mà lao động có tay nghề cao được phép di chuyển trong khối ASEAN là dịch vụ kỹ thuật, kế toán, du lịch, bác sĩ, nha sĩ, kế toán, điều dưỡng, kiến trúc – giám sát thi công. Vì vậy, cùng với cơ hội nghề nghiệp trong nước thì nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này chắc chắn sẽ có thêm những cơ hội nghề nghiệp đáng kể tại các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia…

Các ngành ngoại ngữ khẳng định được giá trị

Ở lĩnh vực dịch vụ, bên cạnh các ngành mũi nhọn thuộc kinh doanh – thương mại – kế toán – tài chính, nhiều ngành dịch vụ khác như du lịch, truyền thông – quảng cáo, giáo dục – đào tạo, y tế… cũng thuộc nhóm các ngành nghề thu hút nhiều lao động trong giai đoạn 2019-2025. Theo đó, ngành du lịch cần: 27.000 người/năm; truyền thông – quảng cáo, marketing: 24.000 người/năm; giáo dục – đào tạo: 18.000 người/năm; ngành nghề khác: 9.000 người/năm.

Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các ngành ngoại ngữ đang ngày càng khẳng định được giá trị của mình trong thời đại hội nhập (lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần 9.000 người/năm). Tiếp sau ngành ngôn ngữ Anh đang dẫn đầu nhu cầu nhân lực là ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Hàn Quốc…

Dòng chuyển dịch lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Đồng thời sự thiếu hụt lớn về nhân lực nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiến trình cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi tác động của khoa học công nghệ càng mạnh mẽ, sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.

“Thời kỳ hội nhập mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài năng lực chuyên môn như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vận dụng công nghệ thông tin, kỹ năng báo cáo, làm việc nhóm, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy, độc lập, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới…”, ông Tuấn nhấn mạnh.

T.Anh

 

Bình luận (0)