Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chỉ thị cấm viết, vẽ vào SGK: Chỉ nên dừng lại ở khuyến khích!

Tạp Chí Giáo Dục

Xuất phát từ thực tế của việc khan hiếm sách giáo khoa (SGK), từ những bất hợp lý về một số bộ môn ghi câu hỏi có đáp án trả lời trực tiếp vào sách, từ việc lãng phí của sách cũ và tiết kiệm, vừa qua Bộ GD-ĐT đã công bố Chỉ thị 3798 về việc nghiêm cấm học sinh vẽ, viết vào SGK.

Giáo viên hướng dẫn học sinh học trên lớp

Trong chỉ thị, Bộ GD-ĐT cho biết việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt 35%, mặc dù bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở các em có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sách được sử dụng lâu bền. Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ sách được sử dụng nhiều lần, Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc sở GD-ĐT chỉ đạo phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách. Thiện chí của chỉ thị trên là tốt, tuy nhiên nhiều người, nhất là giáo viên, rất phân vân về tính hợp lý và bất cập của nó. Hợp lý vì như thế sẽ tiết kiệm được tài chính, có điều kiện giúp ích cho nhiều học sinh nghèo, khó khăn. Nhưng nếu chỉ thị này áp dụng quyết liệt, máy móc, khắt khe, chúng tôi e rằng đó không phải là điều hay, bởi nhiều bất cập mà nó mang lại.

Thử nghĩ xem, với nhiều học sinh, giá mỗi cuốn sách chỉ bằng một chai nước ngọt. Trong khi có vô số cách tiết kiệm khác. Thì việc đặt ra vấn đề: Tiết kiệm nhưng bị gò bó, hạn chế khi sử dụng và tính hiệu quả, tiện ích cho việc học, cái nào cần hơn?

Khi dạy, nhiều giáo viên vẫn coi SGK của học sinh như một tài liệu học tập. Và yêu cầu các em sử dụng nó với những kỹ năng thiết yếu. Chẳng hạn, nhiều giáo viên có thói quen khi kiểm tra SGK của học sinh thường kèm theo yêu cầu: phải có “sự làm việc” của các em vào trong ấy. Ngoài việc vẽ, ghi bậy – điều này dĩ nhiên giáo viên nào cũng cấm học sinh, theo quan sát của chúng tôi, những học sinh có “sự làm việc” tích cực vào sách như gạch chân, ghi chú, cắt dán thêm… đều có kết quả tốt hơn những em có SGK để trắng. Nhiều học sinh cho rằng, học lại sách cũ, có cảm giác và tâm lý không tốt. Thử đặt ta vào hoàn cảnh các em, với những người chuyên tâm nghiên cứu, những “con mọt sách” thì ta dùng sách và tài liệu như thế nào? Có phải ta đều ghi chú chằng chịt vào trong ấy hay không?  Hơn nữa, chỉ thị này có phần gây khó cho việc dạy và học. Đơn cử như môn ngữ văn ở THPT, nhiều bài học có văn bản rất dài, trong khi thời gian thì quá ít. Nếu giáo viên không buộc học sinh gạch chân những dẫn chứng tiêu biểu trong SGK thì không tài nào các em ghi ra cho kịp và ghi hết ra tập! Chưa nói đến việc, theo nhiều người, chỉ thị này là “phạm luật”. Vì SGK là tài sản riêng của học sinh, các em bỏ tiền ra, và dĩ nhiên các em được quyền sử dụng.

Giáo viên thường xuyên nhắc nhở chứ không cấm

Chuyện giáo viên nhắc nhở học sinh không được viết bằng bút mực mà có thể viết bằng bút chì vào SGK đã thực hiện từ lâu lắm rồi, các em không được dùng bút mực làm thẳng vào sách đang học tính kết quả phép toán, bài làm… Nhằm tiết kiệm tiền của gia đình mà sang năm em, cháu mình có thể tiếp tục học SGK đó bằng cách dùng gôm tẩy sạch bút chì là xong. Bây giờ Bộ GD-ĐT tiếp tục ra văn bản nhắc nhở học sinh không được viết, vẽ trong SGK, tôi thấy hơi bất hợp lý. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT có bao giờ ngồi xem lại SGK mà chính bộ của mình thiết kế bài dạy học sinh đã học hiện nay hay không? Có thấy các bài tập học sinh chỉ có cách phải làm thẳng vào trong sách chứ không còn lựa chọn nào khác. Bản thân tôi thấy SGK ở tiểu học nhất là môn toán các bài tập thường có dạng trắc nghiệm bằng các câu hỏi trả lời đúng ghi vào ô vuông Đ, sai ghi vào ô vuông S, ghi kết quả vào ô trống… Bây giờ bắt học sinh viết lại đề toán rồi thực hiện tìm kết quả là mất thời gian cho giáo viên, nhất là học sinh mới học lớp 1, lớp 2, giáo viên chờ các em viết xong đề bài là gần hết thời gian tiết học quy định 35 phút.

Sách toán lớp 2

Chuyện cho hay không cho học sinh viết vào SGK của chính mình mua thì Bộ GD-ĐT khỏi cần lo bằng ra văn bản nhắc nhở, cứ để việc đó cho phụ huynh tự quyết định khuyên nhủ; còn giáo viên dạy trên lớp cũng thường xuyên nhắc nhở chứ không ra mệnh lệnh cấm các em đừng nên viết, vẽ vào SGK nhằm để năm sau nhường sách cho em, bạn bè học. Việc làm như thế nhằm giáo dục học sinh biết giữ gìn sách sạch sẽ và tiết kiệm tiền bạc khi mua sắm SGK.

Trần Văn Tám (TP.HCM)

Vì vậy, theo chúng tôi, chỉ thị này của Bộ GD-ĐT chỉ nên dừng lại ở khuyến khích. Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh kịp thời những cuốn sách có đáp án trả lời trực tiếp vào sách. Bộ nên chú trọng bàn nhiều hơn đến những giải pháp cụ thể làm gì, như thế nào để quyên góp sách cũ từ học sinh, nhà trường, phụ huynh và xã hội. Ví dụ ở trường phổ thông, hàng năm nhân viên thư viện nên có các đợt phát động học sinh quyên góp, các hội khuyến học của nhà trường, các mạnh thường quân nên có các động thái như mua SGK cũ… Và mỗi đầu năm học, hỗ trợ số sách ấy cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Có như thế mới giải tỏa phần nào bài toán “khát” SGK như thời gian qua.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)