Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hãy giúp trẻ khám phá chính mình

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một lần đến thăm “Nhà của thời thanh xuân” (một dự án cộng đồng dành cho người câm điếc ở Đà Lạt), tôi gặp Tuấn, một cậu bé độ tuổi mười ba.

Hay giup tre kham pha chinh minh
Giúp trẻ khám phá chính mình là cách để giúp trẻ thành công

Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu tôi không tận mắt nhìn thấy Tuấn tỉ mẩn ngồi tháo ra để sửa một cái vợt muỗi đã hư. Nét mặt thản nhiên, từng động tác chậm rãi của Tuấn chứng tỏ cậu đích thực là một người thợ lành nghề.

Năm học này, Tuấn lên lớp Bảy. Quá quen với Tuấn, các thành viên ở đây kể rằng, ngày Tuấn đến Nhà của thời thanh xuân như một tình nguyện viên, tay em ôm khư khư bộ đồ nghề điện tử đầy đủ món, trong đó đa số là những vật dụng cũ kỹ, gom nhặt.

Mọi người cũng cho biết thêm, khi Tuấn phạm lỗi, không có hình phạt nào khiến cậu sợ hơn là lấy đi một món nào đó trong bộ đồ nghề của cậu. Sở dĩ, Tuấn xem bộ đồ nghề như một báu vật bởi cậu rất thích sửa chữa đồ điện.

Tuấn kể, niềm đam mê đặc biệt ấy đến với cậu rất tự nhiên. Hồi còn sống với gia đình ở Đồng Nai, những lần sang tiệm sửa chữa điện tử nhà hàng xóm chơi, Tuấn thường hay tò mò công việc của chủ tiệm.

Thấy cậu bé tỏ ra quan tâm đặc biệt và có khả năng tiếp thu tốt, người đàn ông chủ tiệm chẳng những đã giải thích cặn kẽ những điều gì Tuấn hỏi mà còn tạo điều kiện để em được “nghịch phá” trên đống đồ cũ của mình. Nhờ đó, Tuấn phát huy khả năng của mình rất nhanh. Hiện nay, cậu học sinh lớp Bảy trở thành người "chuyên trị" những bệnh lớn bệnh nhỏ của vô số đồ điện.

Hay giup tre kham pha chinh minh
Hướng nghiệp tốt sẽ giúp trẻ có hướng vào đời đúng và tìm thấy hạnh phúc trong suộc sống

Không chỉ biết sửa, Tuấn còn có thể giải thích một cách tường tận nó hư chỗ nào, tại sao hư nếu có người thắc mắc. Ở tuổi 13, Tuấn đã nhìn rõ một cái nghề mà em có thể theo đuổi để tự nuôi sống bản thân.

Từ câu chuyện của Tuấn, chúng ta thấy đích đến quan trọng nhất của mọi sự giáo dục là giúp một đứa trẻ khám phá chính mình. Khi bản thân mỗi người nhận thức rõ năng lực, các em sẽ có khả năng tự quyết định cuộc đời mình với một hướng đi phù hợp nhất.

Ở những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, công tác hướng nghiệp được đặc biệt chú trọng dưới nhiều hình thức khác nhau. Trò chơi đóng vai nghề nghiệp mà giáo viên thường cho học sinh thực hiện ở các cấp học mẫu giáo, tiểu học là một cách tạo điều kiện cho trẻ bước đầu hiểu về đặc trưng, trách nhiệm xã hội của các ngành nghề. Đó cũng là bước đầu trong hành trình giúp trẻ khám phá bản thân, tăng cường sự mạnh dạn, tự tin khi các em có cơ hội giao tiếp xã hội, tương tác lẫn nhau.

Vì vậy, công tác hướng nghiệp trong nhà trường một cách thực chất thì không nên đợi vào cấp 2 hay cấp 3. Cũng không nên là việc hối thúc các em chọn ngành, chọn nghề, mà quan trọng là giúp các em phát hiện ra khả năng, nhìn thấy sở trường của bản thân để từ đó mỗi người tự đưa ra quyết định, có hướng đầu tư cho tương lai của mình.

Để làm được như vậy, điều chúng ta cần là một nền giáo dục mà ở đó, quyền chủ động học tập được trao cho học sinh.  

Thu Lê/ PNO

Bình luận (0)