Hiện nay ô nhiễm môi trường là vấn nạn không của riêng một quốc gia nào. Để giải quyết vấn nạn này ngoài việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến thân thiện với môi trường thì công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cũng được đặt lên hàng đầu.
Chính vì lẽ đó những năm gần đây ngành GD-ĐT ở một số địa phương đã đưa các chuyên đề về giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vào giảng dạy ở một số lớp cho học sinh. Dù chưa là môn học chính thức, nhưng với sự lồng ghép, liên hệ, tích hợp vào các môn học khác, thông qua các chương trình ngoại khóa, giáo dục môi trường đã trở nên quen thuộc với học đường Việt Nam, đặc biệt là ở cấp tiểu học và THCS. Giáo dục môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến căn bản cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh phổ thông các cấp về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giáo dục, bảo vệ môi trường. Phong trào xây dựng trường xanh – sạch – đẹp, trường học thân thiện… phát triển mạnh trong cả nước.
Nhìn chung học sinh rất hứng thú với các tiết học này song để những kiến thức được học trong nhà trường biến thành những hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường thì đòi hỏi người lớn chúng ta, đặc biệt là những bậc phụ huynh và những người sống xung quanh cũng phải gương mẫu trong việc ý thức bảo vệ môi trường.
Sau những tiết học trên lớp các em quay về lại với cuộc sống thường ngày bên gia đình, cộng đồng xã hội. Những kiến thức được học sẽ trở thành vô nghĩa nếu như những người thân, những người sống xung quanh có thái độ vô cảm với việc bảo vệ môi trường. Người thân, hàng xóm sẵn sàng vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác… thậm chí còn bắt các em phải thực hiện những điều đó. Nếu như các em áp dụng những kiến thức đã học trong nhà trường ra khuyên răn thì đôi khi bị người lớn phản đối, cho là dám cãi lại… thành ra các em biết làm như vậy là sai nhưng vẫn phải làm.
Để đảm bảo hiệu quả giáo dục môi trường, nhà trường phải trang bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để giảng dạy lý thuyết và thực hành. Bên cạnh đó những người lớn sống chung quanh các em phải gương mẫu thực hiện cũng như động viên các em áp dụng những kiến thức đã học vào việc bảo vệ môi trường. Có như vậy công tác giáo dục về bảo vệ môi trường cho học sinh mới đạt hiệu quả cao.n
Văn Thi Hoàng
(Trường THCS Phan Bội Châu,
Quảng Nam)
Bình luận (0)