Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Muôn kiểu xử trí khi phát hiện F0 trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Khi phát hiện F0 trong lớp học, mỗi cơ sở giáo dục ở Hà Nội có cách xử trí khác nhau: nơi cho cả lớp có học sinh F0 nghỉ ở nhà học trực tuyến, nơi khoanh vùng ở diện hẹp nhất có thể để tránh bất ổn.

1 học sinh là F0, mặc nhiên cả lớp là F1 ?

Trên các nhóm hội, diễn đàn dành cho học sinh (HS) và cả phụ huynh sau gần 1 tuần HS trở lại trường, nhiều câu chuyện về việc xuất hiện F0 trong trường học và cách xử trí của mỗi trường được đưa ra bàn tán, bình luận.

Phụ huynh một học sinh lớp 10 hóa 1 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam kể: “Các con háo hức đến trường, sau màn chào hỏi và nhận lì xì từ thầy chủ nhiệm thì biết tin trong lớp có bạn F0 và lại trở về nhà học trực tuyến”.

Muôn kiểu xử trí khi phát hiện F0 trong trường học - ảnh 1

Diễn tập lấy mẫu test nhanh học sinh trong trường hợp nghi ngờ F0 tại Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). ĐẬU TIẾN ĐẠT

Một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Xã Đàn cho biết con đi học được 2 buổi thì nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm, trong lớp có 1 bạn F0. Theo chỉ đạo của nhà trường, cả lớp sẽ dừng đến trường toàn bộ, chuyển sang học trực tuyến trước mắt 1 tuần. Phụ huynh một số trường như Phổ thông liên cấp Wellspring cũng cho hay nhận được thông báo trên xe đưa đón HS hoặc trong cùng lớp học có F0 thì HS cùng lớp hoặc đi cùng xe được coi là F1 và được yêu cầu ở nhà để theo dõi sức khỏe…

Nhiều nơi khoanh vùng hẹp nhất có thể

Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, ngày đầu tiên đón HS trở lại đã giải quyết tình huống phát sinh F0 tại một lớp của Trường THCS Thăng Long. Cụ thể, HS đến trường lúc 7 giờ 15 nhưng đến 9 giờ được phụ huynh đón về để test nhanh do gia đình báo có người nhà là F0. Kết quả test nhanh xác định HS này dương tính. Ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm lớp đã lọc danh sách các HS tiếp xúc gần với HS này để cho nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Ông Thuận cho hay trước đó các trường trên địa bàn cũng đã được diễn tập xử lý các tình huống khi phát hiện F0 nên không bị động và hốt hoảng.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết từ sau gần 1 tuần HS đi học, các trường trên địa bàn quận phát hiện khoảng 10 em là F0. Tuy nhiên, phương án xử lý đều rất thống nhất là không cho cả lớp hay cả trường đó ở nhà, mà chỉ xác định rõ em nào tiếp xúc gần, thuộc đúng diện F1 mới cho em đó chuyển sang học trực tuyến. Các trường hợp F0, F1 được phát hiện khi ở trường sẽ chuyển sang phòng cách ly y tế tại trường và được đưa về nhà theo dõi, điều trị. “Cách xử lý như vậy mới có thể mở cửa trường bền vững, đảm bảo dạy học trực tiếp lâu dài, ổn định”, bà Hằng nói.

Tương tự, tại Q.Hoàn Kiếm, bà Vương Hương Giang, Trưởng Phòng GD-ĐT, cho biết cũng có khoảng gần 10 trường hợp HS là F0 sau khi đã trở lại trường nhưng nhân viên trung tâm y tế của quận đã trực tiếp hướng dẫn và xử lý các trường hợp F1 theo đúng quy định của ngành y tế, không đóng cửa cả lớp học hay trường học.

Theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thanh Trì: “Khi có F0, giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ rà soát, bóc tách những em thuộc diện F1 tiếp xúc gần với F0 đưa đi xét nghiệm và cách ly tại nhà. Các em vẫn tiếp tục học trực tuyến. Số HS còn lại trong lớp sau khi xác định không tiếp xúc gần với F0 có thể học trực tiếp bình thường”.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết lần này để đảm bảo mở cửa trường bền vững hơn, Sở Y tế và Sở GD-ĐT đã yêu cầu thay đổi trong cách xử trí F0, F1 trong trường học, đó là khoanh vùng nhỏ nhất, hẹp nhất để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo công tác chuyên môn, không để xảy ra tình trạng vì một HS mà cả lớp, cả trường phải dừng học.

Bộ GD-ĐT yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra kỳ thị với học sinh là F0

Trong công điện gửi giám đốc các sở GD-ĐT trên toàn quốc lưu ý về việc tổ chức dạy học trực tiếp khi HS trở lại trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu: “Hướng dẫn HS kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho HS; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các HS trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0”.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)