Cục Xuất nhập khẩu cho rằng sở công thương, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu…
Thời gian vừa qua, do gia tăng mức độ phòng chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp kiểm dịch đối với người, phương tiện nhập khẩu. Cùng với thời điểm cuối năm, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tăng cao, từ 1.500 – 1.700 phương tiện/ngày, khiến lượng phương tiện ùn ứ càng gia tăng.
Xe hàng hóa chờ cả tuần
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết hiện trung bình lượng phương tiện xuất nhập khẩu được thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 825 xe/ngày, trong đó cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày xuất khẩu được khoảng 120 xe, cửa khẩu Tân Thanh khoảng 200 xe.
Theo cơ quan này, lượng phương tiện đưa lên cửa khẩu ngày càng nhiều so với năng lực thông quan nên lượng xe còn tồn ở khu vực bến bãi, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tăng cao. Tổng lượng xe tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến nay khoảng hơn 4.300, trong đó tồn lớn nhất là tại cửa khẩu Tân Thanh với 2.474 xe, cửa khẩu Hữu Nghị 1.083 xe.
Hàng ngàn xe chở hàng hóa đang ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.
Các mặt hàng ùn ứ chủ yếu tại cửa khẩu Hữu Nghị là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử. Tại cửa khẩu Tân Thanh, hàng tồn chủ yếu là dưa hấu, thanh long, xoài, mít, chuối xanh đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Đắk Lắk…
Theo phản ánh của các tài xế xe container chở hàng, dù xe đã đến cửa khẩu 7-8 ngày nhưng vẫn chưa được thông quan, gây tốn kém. Trong khi đó, các bến bãi tại cửa khẩu đã quá tải, không thể bố trí sắp xếp thêm.
Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ cuối tháng 9-2021, Trung Quốc áp dụng quy định tài xế chuyên trách của Việt Nam khi di chuyển qua cửa khẩu phải bàn giao xe cho lái xe Trung Quốc. Trong khi đó, lái xe chuyên trách phía nước bạn bị thiếu hụt khiến lượng hàng được giải phóng trong ngày giảm, dẫn đến hàng hóa ùn ứ nhiều tại cửa khẩu.
Đáng chú ý, phía Trung Quốc đang thực thi chính sách "Zero Covid", nên khi có 1 ca mắc Covid-19 theo tài xế xuất hàng thì mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ. Mặt khác, phía Trung Quốc lại áp dụng quy trình kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt với quả thanh long, khiến năng lực thông quan giảm.
Đầu tư trung tâm bảo quản nông sản
Trong bối cảnh cơ quan chức năng phía Trung Quốc siết chặt quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa để phòng chống dịch Covid-19, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng trước mắt chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ, tồn đọng nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc, nhất là tỉnh Lạng Sơn.
Cơ quan này khuyến cáo các sở công thương, hiệp hội, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng thương hiệu nông sản… chuẩn hóa mọi quy trình canh tác.
Chính vì vậy, trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng sẽ dành kinh phí đầu tư các chuỗi logistics trong nội địa riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở các vùng nguyên liệu cho tới biên giới, nhất là cửa khẩu phía Bắc.
Theo "tư lệnh" ngành nông nghiệp, chúng ta không phải "một mình một chợ" bán nông sản sang Trung Quốc mà có nhiều quốc gia khác. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo tiếp cận theo cách các quốc gia có nông sản tương đồng, nông dân phải thay đổi lịch mùa vụ để không bị dội hàng.
"Như thanh long, mình trồng được thì Trung Quốc cũng trồng được, nên chúng ta phải trồng và thu hoạch sao không trùng thời điểm Trung Quốc cũng thu hoạch để không bị dư thừa do thị trường nhập khẩu thu hẹp" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Cấp thời giải phóng hàng hóa tồn đọng
Để gỡ khó cho hoạt động thông quan hàng hóa trước mắt, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết đã hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hồ sơ khai báo hải quan điện tử từ chiều hôm trước, để đầu giờ hôm sau có thể triển khai thông quan ngay khi cơ quan chức năng Trung Quốc mở cửa khẩu.
Tại 2 cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị, lực lượng hải quan đều làm việc thêm giờ, làm cả ngày nghỉ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức hội đàm với lực lượng chức năng của Trung Quốc để thống nhất các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa. Trước mắt, hai bên đã thống nhất mở cửa khẩu của Trung Quốc sớm hơn 1 giờ so với thời gian quy định trước đây.
|
Minh Chiến (theo NLĐ)
Bình luận (0)