Tròn 10 năm thành lập, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã trở thành lá chắn vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ ngư dân vươn khơi an toàn với khoảng hơn 1.500 lượt tàu kiểm ngư đi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển của Việt Nam…
Tròn 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư trở thành điểm tựa vững chắc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo
Tròn sứ mệnh thực thi pháp luật thủy sản trên biển
Nhằm nâng cao năng lực, tổ chức, hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, ngày 15-4-2014, tại Đà Nẵng, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt. Đây là một sự kiện đặc biệt, là dấu mốc lịch sử, đánh dấu sự ra mắt và chính thức đi vào hoạt động của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách, có chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển; hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản đối với ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên vùng biển của Việt Nam.
Chỉ 15 ngày sau khi ra mắt, lực lượng kiểm ngư đã được giao thực hiện một nhiệm vụ quan trọng để giải quyết sự kiện ngày 1-5-2014, giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản bình thường của ngư dân Việt Nam trên ngư trường khai thác truyền thống tại vùng biển của Việt Nam. Với sự đấu tranh kiên trì, kiên quyết, dứt khoát, khắc phục những điều kiện khó khăn, vất vả, nguy hiểm bất kể ngày, đêm của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, ngày 16-7-2014 (chỉ sau khoảng 2,5 tháng), giàn khoan Hải Dương-981 phi pháp đã phải rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt, được dư luận trong nước, quốc tế và sự quan tâm, động viên, ủng hộ của bà con ngư dân trên cả nước cả về điều kiện vật chất, tinh thần để lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng hành cùng ngư dân trên biển
Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã thường xuyên bám biển, đã điều động khoảng hơn 1.500 lượt tàu kiểm ngư đi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển của Việt Nam. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, đã phát hiện và xử lý trên 12.000 lượt tàu cá vi phạm khai thác IUU, lập biên bản, ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách khoảng trên 100 tỷ đồng. Kết quả, đã từng bước giảm dần được các hành vi vi phạm khai thác IUU trên biển hàng năm; theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình; ngăn chặn, yêu cầu rời khỏi vùng biển Việt Nam hàng chục ngàn tàu cá nước ngoài vi phạm khai thác ở vùng biển Việt Nam.
Lực lượng kiểm ngư nhận được sự đồng hành của các đơn vị cùng chung tay bảo vệ biển đảo
Cục Kiểm ngư cũng được Bộ NN&PTNT giao là cơ quan đầu mối, thường trực, tham mưu về việc chống khai thác IUU, phấn đấu gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC): Sau hơn 6 năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng; với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố ven biển và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã đạt được những kết quả tích cực, được phía EC ghi nhận và đánh giá cao; quyết tâm, phấn đấu gỡ “cảnh báo thẻ vàng” của EC trong năm 2024 và duy trì phát triển bền vững ngành thủy sản.
Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư cũng đã chủ động, tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố tai nạn trên biển. Phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nhiều đợt cứu hộ, cứu nạn tàu cá gặp sự cố tai nạn trên biển; hỗ trợ sửa chữa khắc phục tàu cá hỏng máy; lai dắt các tàu cá bị tai nạn trên biển về bờ an toàn, đưa ngư dân bị tai nạn lao động, ốm đau về bờ cấp cứu kịp thời. Phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn đối với ngư dân mất tích trên biển, là điểm tựa cho bà con ngư dân yên tâm sản xuất, khai thác hải sản trên biển.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam khẳng định: “Cục Kiểm ngư sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế biển; thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; giữ vững an ninh, trật tự nghề cá trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. |
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam khẳng định: “Cục Kiểm ngư sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế biển; thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; giữ vững an ninh, trật tự nghề cá trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Sự hiện diện thường xuyên của hơn 1 triệu bà con ngư dân với gần 90.000 tàu cá trực tiếp khai thác, sản xuất trên các vùng biển của Việt Nam là những cột mốc sống, cùng với lực lượng Kiểm ngư Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật khác thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biển, vừa góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên các vùng biển của Việt Nam. Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam trở thành là “Điểm tựa vững chắc nơi đầu sóng” để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển an toàn, đúng pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phan Lệ
Bình luận (0)