Từng có mặt trong danh sách những sản vật đặc sắc tiến vua một thuở, thanh trà xứ Huế vẫn ngọt thanh qua thời gian bởi phù sa bãi dọc đôi bờ sông Bồ, sông Hương… Người trồng thanh trà cứ thế sống khỏe nhờ cây trái đặc trưng này!
Ông Đặng Cuộc bên vườn thanh trà đem về thu nhập ổn định |
1.Ông Đặng Cuộc, 75 tuổi, gần ngót cuộc đời gắn với vườn thanh trà ở Thủy Biều, vừa đưa tay chọn những quả đủ chín để xuất bán vừa trò chuyện cùng khách. “Thanh trà trồng ở đâu cũng tươi tốt, đất phù sa càng dễ trĩu quả nhưng chỉ thanh trà xứ Huế mới có hương vị đặc trưng riêng. Vùng thượng lưu sông Hương này luôn bồi đắp cho vườn tược những lượng phù sa giàu chất khoáng, rất tốt cho cây thanh trà. Đời tui cũng đôi lần nếm vị thanh trà đó đây, mà duy chỉ xứ mình mới có vị đặc trưng khó quên được. Đi mô xa, tới độ tầm tháng 8 cũng phải thưởng thức cho được trái thanh trà Huế. Xưa nhà vua thích cũng có lẽ vì vậy”. Ông Cuộc không quên đãi khách bằng một bữa thanh trà ngọt lịm.
Còn với ông Tôn Thất Năng, kinh nghiệm hàng chục năm trồng thanh trà cho hay, phù sa bồi đắp là một lợi thế không chỉ riêng thanh trà mà cho tất cả các loại cây trồng khác, nhất là với cây ăn trái. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại cây trồng khác, người trồng thanh trà cần có những kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc nhất định mới thu về những vụ thanh trà có múi mọng nước, ngọt thanh. Gia đình ông Năng trồng hơn 100 gốc thanh trà trên diện tích khoảng 1.500 mét vuông. Bỏ công chăm sóc, mỗi vụ được mùa, được giá gia đình ông cũng thu về gần 150 triệu đồng. Nguồn thu ấy có phần khá giả hơn so với nông dân trồng lúa nước hay canh tác hoa màu.
2.Người trồng thanh trà ở Thủy Biều tự hào về độ ngon của sản vật do chính tay họ trồng ra. Thanh trà Thủy Biều nổi tiếng hàng trăm năm trước, không chỉ ở mảnh đất cố đô Huế mà tiếng tăm được truyền tụng lan tỏa ra cả xứ miền Trung.
Theo thống kê, phường Thủy Biều có 150ha đất trồng thanh trà, với khoảng hơn 1.000 hộ dân theo nghề, tập trung ở các thôn: Lương Quán, Trung Thượng, Đông Phước. Đây được xem là “thủ phủ” thanh trà của xứ Huế. Mỗi vụ thanh trà tầm tháng 7 đến tháng 9, 10 dương lịch, người dân nơi đây thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, đời sống kinh tế ổn định, con cái được học hành đàng hoàng.
Ông Hoàng Trọng Di – Giám đốc HTX Thanh trà Thủy Biều, cho biết, thanh trà là cây trồng chủ lực ở địa phương có giá trị thu nhập cao nhất so với các cây như lúa, hoa màu… Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng cho thu hoạch lứa đầu. Bình quân thu nhập 200 triệu đồng/ha, cá biệt có khi lên đến 400 triệu đồng/ha.
Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng 1.114ha trồng thanh trà; riêng phường Thủy Biều (thành phố Huế) có 127ha/ 150ha trồng đã cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch đạt 450-500 tấn/năm. |
3.Đặc biệt, vào năm 2007, thanh trà Thủy Biều được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đáng mừng nhất, thanh trà Huế cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập “Đặc sản Thừa Thiên Huế – Việt Nam” đạt kỷ lục châu Á và Việt Nam vào năm 2013. Để thanh trà có được đầu ra ổn định, hạn chế sự o ép của thương lái đối với sản vật của bà con nông dân, một lễ hội thanh trà đã được thành phố Huế tổ chức 2 năm 1 lần, thu hút hàng chục ngàn lượt khách. Từ lễ hội này, người trồng thanh trà không chỉ tìm được đầu ra bền vững mà bà con còn phát triển thêm một hướng đi mới đó là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ông Hoàng Thăng Long – Chủ tịch UBND phường Thủy Biều nhìn nhận, lễ hội thanh trà là cơ hội mở rộng thị trường, mở rộng diện tích tạo môi trường phát triển bền vững cho thanh trà và môi trường phát triển tiềm năng du lịch của địa phương; là dịp trao đổi, giao lưu, xúc tiến thương mại đến với cộng đồng dân cư trong vùng, du khách gần xa khi đến với lễ hội và đặc biệt với những du khách muốn tìm hiểu văn hóa, cây trái vùng đất Thủy Biều, ẩm thực đặc sản cố đô nhưng chưa một lần có dịp đến tham quan và thưởng thức.
Một tín hiệu vui nữa là chính quyền địa phương rất quan tâm đến bà con trồng thanh trà ở Thủy Biều. Dự kiến sẽ thực hiện chương trình xây dựng chỉ dẫn địa lý thanh trà và xây dựng tiêu chuẩn thanh trà theo chuẩn VietGAP. Đồng thời với đó, động viên, hướng dẫn bà con cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp quỹ đất nông nghiệp nhằm phát triển giống cây đặc sản này. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón để nâng cao chất lượng của sản phẩm này.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)