Khả năng giao tiếp tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn, đọc tài liệu nước ngoài để nâng tay nghề của học sinh, sinh viên (HS-SV) trường nghề rất yếu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các em ra trường khó có cơ hội tham gia thị trường lao động ở thời kỳ hội nhập.
Trình độ ngoại ngữ của HS-SV trường nghề thấp khiến cho các em khó có cơ hội tham gia thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập. Trong ảnh: HS Trường TC Việt Giao trong giờ thực hành nghề bếp |
HS-SV sợ… tiếng Anh
Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) đánh giá trình độ tiếng Anh của HS trường nghề còn hạn chế, có sự khác biệt giữa HS lớp 9 và HS lớp 12; HS ở tỉnh thua kém HS thành phố nên việc đào tạo tiếng Anh ở trường nghề gặp nhiều khó khăn. “Ngoài 60 tiết tiếng Anh trong toàn khóa học, trường chủ động mời giáo viên về trường dạy thêm từ 60 đến 90 tiết nữa để nâng cao năng lực tiếng Anh cho HS. Dù vậy kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn bởi lớp học có đến 35 người, trong khi để học tiếng Anh hiệu quả thì chỉ 20 người/lớp. Thêm nữa là khó thuyết phục phụ huynh vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học tiếng Anh chuẩn TOEIC 350 do trường thực hiện từ năm 2017”, bà Thủy trăn trở.
Theo ThS. Dương Tuyết Lan (Khoa Ngoại ngữ Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM), hiện nay SV chuyên ngành rất yếu tiếng Anh nên thời lượng chuẩn hóa và nâng cao năng lực tiếng Anh cơ bản đã được chú trọng và tăng lên. Tuy nhiên, do nhận thức của SV chưa cao nên các em còn tâm lý e ngại và sợ các học phần tiếng Anh hoặc học với tâm thế đối phó.
Bà Lan cho biết thêm, tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, quy trình học tiếng Anh của SV là từ tiếng Anh cơ bản – tiếng Anh chuyên ngành – chuyên ngành bằng tiếng Anh. Vì vừa phải tăng thời lượng học tiếng Anh cơ bản và chuyên ngành, vừa cân đối số tín chỉ và thời gian học nên có thể bỏ giai đoạn học tiếng Anh chuyên ngành mà chuyển hẳn dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Để đạt hiệu quả cao, giai đoạn đầu nên tuyển chọn SV đầu vào giỏi, có năng lực ngoại ngữ tốt, có hoài bão làm trong môi trường quốc tế.
Đại diện Trường TC Nghề Củ Chi cũng cho biết, trong những năm qua trường giảng dạy tiếng Anh cho HS trình độ TC theo chương trình của Bộ LĐ-TB&XH ban hành với tổng số 45 giờ, bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong quá trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn như đa số người học tốt nghiệp THCS, trình độ đầu vào thấp, ý thức học tập chưa cao. Thời gian đào tạo trình độ TC là 3 năm (vừa học nghề vừa học văn hóa THPT) nên thời lượng bố trí học tiếng Anh chưa nhiều. Đặc biệt là trường chưa có phòng học riêng, thiếu phương tiện trực quan nghe nhìn đáp ứng yêu cầu đào tạo mà chủ yếu sử dụng tranh ảnh minh họa cho từng từ, tranh để dạy ngữ pháp… nên hiệu quả chưa cao.
Tương tự, Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn dạy tiếng Anh căn bản là môn chung bắt buộc cho tất cả các chuyên ngành của trường và tiếng Anh chuyên ngành cũng đưa vào giảng dạy ở các khoa điều dưỡng, du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử. Tuy nhiên, ý thức học ngoại ngữ của HS chưa cao, đặc biệt là HS học nghề sau THCS còn rất yếu, phần lớn học đối phó để tốt nghiệp.
Lối ra nào?
Bà Christine Palmer (Trưởng khoa Giáo dục nghề nghiệp và tiếng Anh, Trường CĐ City of Glasgow, Anh quốc) chia sẻ: “Phương pháp dạy tiếng Anh cho HS-SV trường nghề đạt hiệu quả cao là giáo viên không bắt đầu bằng nguyên tắc sư phạm, giáo viên nói ít để người học nói nhiều, qua đó trang bị cho người học kỹ năng nói và giao tiếp thật sự. Phương pháp dạy tiếng Anh này đạt điểm đánh giá 88,1% (điểm đánh giá trung bình là 78,8%), là phương pháp sư phạm mới áp dụng được cho mọi ngành”.
Cũng theo bà Christine Palmer, kinh nghiệm cho thấy giáo viên hãy để người học tự phát hiện cấu trúc, nguyên tắc câu, của từng tình huống trong ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn… Từ đó các em sẽ dễ nhớ hơn. Trong giờ học, người học tự phân vai, quan sát sẽ nhận thức được sự giao tiếp và phản hồi. Trong lớp không sử dụng từ điển, các em tự trao đổi, không kiểm tra văn phạm hoặc từ vựng. Đồng thời cho phép người học tự đúc kết chương trình, đóng góp ý kiến để có sự điều chỉnh chương trình cho phù hợp.
Chia sẻ mô hình dạy học bằng tiếng Anh Theo ThS. Dương Tuyết Lan (Khoa Ngoại ngữ Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM), các trường cần chọn lọc giảng viên có năng lực tốt về chuyên môn và ngoại ngữ để bồi dưỡng các khóa học dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Cụ thể là khóa học phương pháp giảng dạy môn chuyên ngành bằng tiếng Anh lần đầu tiên tại Việt Nam do Hội đồng Anh tổ chức; có chính sách khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng đối với giảng viên tham gia chương trình hiệu quả. Bên cạnh đó thành lập Ban học thuật hỗ trợ giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh vào thực tiễn; thực hiện liên kết đào tạo, chia sẻ mô hình dạy và học chuyên ngành bằng tiếng Anh với các trường ĐH trong nước và liên kết đào tạo với nước ngoài, tiến tới mở rộng đào tạo ra nước ngoài, trước hết là khu vực Đông Nam Á và châu Á. |
Đề cập đến phương pháp đổi mới trong việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, ông David Kaye (chuyên gia tư vấn của Vietcetera) nói: Giáo viên có thể áp dụng nhiều phương thức dạy khác nhau mà không giới hạn số lượng người học trên lớp. Theo đó, áp dụng phương pháp kích thích, tương tác và phân loại từ đơn giản đến cao hơn cho từng nhóm người học. “Một người không thể học theo cách mình dạy thì có thể dạy theo cách của người học”, ông David Kaye chia sẻ.
Trong khi đó, ông Dhruv Patel (CEO của Nisai Group) lại quan tâm đến việc vận dụng công nghệ để học tiếng Anh trong trường nghề. “Tại Anh quốc, chúng tôi lập tổ chức hỗ trợ HS-SV trường nghề, cung cấp môn học và chương trình học không hàn lâm, vận dụng công nghệ để tiếp cận với học phí thấp. Tiện ích của phương thức này là cho phép người học có thể học trực tiếp hoặc trực tuyến ở bất cứ đâu. Cách thức này hoàn toàn có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam”, ông Dhruv Patel cho biết.
T.Anh
Bình luận (0)