Đa số người giữ trẻ ở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (sau đây gọi chung là nhóm trẻ)… có trình độ chuyên môn thấp, thiếu kỹ năng xử lý tình huống dễ dẫn đến nguy cơ bạo hành trẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (chủ nhóm trẻ Hồng Hạnh) phát biểu tại buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý các nhóm trẻ độc lập tư thục |
Đây là nhìn nhận, đánh giá của đại diện các phòng GD-ĐT, phòng LĐ-TB&XH tại buổi gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm quản lý các nhóm trẻ độc lập tư thục ở các quận, huyện tại TP.HCM như: Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và Củ Chi, do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức hôm 5-10.
Quản không xuể vì nhân sự mỏng
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam (Phó Chủ tịch UBND P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú), trên địa bàn phường có 1 trường MN tư thục, 10 lớp mẫu giáo và 2 nhóm trẻ với tổng số 474 trẻ. Nhân sự phụ trách bậc học này ở địa phương ít lại kiêm nhiệm nhiều việc nên khó quản lý chặt chẽ các cơ sở này. Quỹ đất của một số cơ sở MN tư thục hẹp chưa đảm bảo đúng quy định, thiếu sân chơi. Đội ngũ giáo viên (GV) không ổn định, thường xuyên biến động ảnh hưởng đến chất lượng và hoạt động của các nhóm lớp, cơ sở MN.
Quận Bình Tân có 2 KCN Vĩnh Lộc và Tân Tạo phần lớn người lao động là dân nhập cư, chưa kể địa bàn còn có Công ty Pouyuen với 95.000 công nhân. Bà Nguyễn Thị Cẩm (Phó phòng LĐ-TB&XH Q.Bình Tân) thông tin: Trẻ trong độ tuổi MN của con em lao động tăng mạnh theo từng năm. Trung bình mỗi năm xây 2 trường, đến nay có 22 trường MN công lập nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.
“Trường công lập chỉ nhận giữ trẻ trong giờ hành chính, ít nhận trẻ nhóm nhỏ từ 6-18 tháng. Từ thực tế đó, nhiều nhóm trẻ được mở ra để đáp ứng nhu cầu và tính đến thời điểm này, quận có 212 trường và nhóm lớp tư thục. Qua khảo sát, nhóm trẻ có quy mô nhỏ (dưới 10 trẻ) và những nhóm trẻ chưa cấp phép, đa số người giữ trẻ có trình độ chuyên môn thấp, thiếu kỹ năng xử lý tình huống xảy ra trong quá trình chăm sóc, giáo dục dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn an toàn cho trẻ. Đã có nhiều vụ bạo hành trẻ xảy ra tại các điểm giữ trẻ này”, bà Cẩm lo lắng.
Tại quận 12 nguy cơ tiềm ẩn về mức độ không an toàn cho trẻ cũng rất lớn, bà Nguyễn Kim Phượng (Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận) cho biết, quận có 263 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập tư thục (trong đó có 21 nhóm trẻ). Đa số nhóm trẻ ngoài công lập thuê mướn mặt bằng, do đó việc cải tạo cơ sở vật chất nhóm lớp theo yêu cầu chuyên môn rất khó khăn, thiếu đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị chăm sóc, nuôi dưỡng và giảng dạy. Đặc biệt là thiếu diện tích sảnh chơi, sân chơi ngoài trời, khó đáp ứng theo chương trình giáo dục MN. “Cơ sở pháp lý còn mang tính mở dẫn đến việc các nhóm trẻ tự ý thay đổi chủ cơ sở, địa điểm hoạt động, loại hình hoạt động gây khó khăn trong quản lý. Nhóm trẻ ngoài công lập ngày càng tăng do nhu cầu thực tế trong khi đó nhân sự phụ trách bậc MN mỏng, chỉ với 1 lãnh đạo và 2 chuyên viên, không đủ để quản lý và chỉ đạo chuyên môn”, bà Phượng nêu khó khăn đang tồn tại.
Thực trạng khó khăn về nhân sự không chỉ quận 12, bà Đặng Thị Phương Thảo (chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi) cũng tâm tư: Cán bộ phụ trách MN đã nghỉ hưu từ gần 2 năm nay và hiện chỉ có 2 chuyên viên phải quản lý đến 31 trường MN công lập, 17 trường tự thục và 90 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Người lao động không mặn mà tham gia BHXH
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (chủ nhóm trẻ Hồng Hạnh 2 ở P.15, quận Tân Bình) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay là tuyển GV-NV có trình độ chuyên môn. GV hợp đồng thường xuyên nghỉ việc, chưa kể số GV, bảo mẫu sau thời gian theo học các lớp chuyên môn thì thi tuyển công chức.
Bà Hạnh kiến nghị mức đóng BHXH sao cho phù hợp để người lao động tự nguyện tham gia vì hiện mức đóng quá cao (khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng). Mặc dù chủ trường đã đóng 950.000/ người/tháng theo quy định, còn lại là người lao động nhưng họ cũng không muốn bỏ tiền.
Hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi Ông Chung Hùng Ban (Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới – Sở LĐ-TB&XH TP) cho biết, Đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Quyết định 2318/QĐ-UBND ngày 20-5-2015 của UBND TP) với mục tiêu hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi. Theo đó, chỉ tiêu cụ thể năm học 2018-2019 là: Kiện toàn 100% nhóm trẻ và hỗ trợ hoàn chỉnh 20 nhóm cũ có phép của 4 quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức; Kiện toàn 80% nhóm trẻ và hỗ trợ nâng chất lượng 30 nhóm cũ có phép của các quận/ huyện 2, 7, 12, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè; 90% người nuôi giữ trẻ quận, huyện 1, 7, 12, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, 95% người nuôi giữ trẻ tại Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và 100% chủ nhóm trẻ thuộc địa bàn dự án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức nghề nghiệp… T.A |
Tương tự, đại diện Trường MN Hải Yến (quận Tân Phú) cũng băn khoăn về việc đóng BHXH của GV. Trường muốn đảm bảo quyền lợi cho GV, tuy nhiên một số người không chịu tham gia mặc dù lương khá cao (bảo mẫu từ 6 triệu đến 6,5 triệu đồng, GV từ 7,5 triệu đến 8 triệu đồng). Vì vậy, hiện tại trường chỉ có 16/26 người đóng BHXH.
Trước tâm tư của chủ trường về việc tham gia BHXH của người lao động, đại diện Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP trả lời: Kể từ năm 2018, một tháng sau khi ký hợp đồng lao động thì bắt buộc phải đóng BHXH. Nếu không tham gia, chủ cơ sở sẽ bị phạt từ 24-30% trên tổng số tiền phải đóng, đồng thời truy thu các tháng trước đó (nếu có). Trường hợp người lao động không đóng BHXH thì chủ cơ sở phải cho họ nghỉ việc để tránh rắc rối, cụ thể là bị phạt. Tuy nhiên, đại diện trường này cho rằng: “Việc tuyển GV, bảo mẫu không dễ, hơn nữa đó là những người giỏi chuyên môn, yêu trẻ không thể chấm dứt hợp đồng lao động khi họ không tham gia BHXH”, đại diện trường MN Hải Yến nói.
Bà Đoàn Thị Thanh Thủy (Trưởng ban Gia đình và xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM) lưu ý: “Khi tuyển dụng, chủ cơ sở phải thỏa thuận với người lao động về việc tham gia BHXH trước khi ký hợp đồng, bởi pháp luật đã quy định thì phải thực hiện. Đây cũng là cách để tránh khiếu kiện không đáng có về sau”.
T.An
Bình luận (0)