Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26-12 đồng ý với nỗ lực gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.
Động thái này cho phép Stockholm tiến thêm một bước gần hơn với việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Thủ tục quan trọng nhất này vẫn phải chờ phiên họp đại thể Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua. Hiện chưa rõ ngày tổ chức cuộc biểu quyết về vấn đề này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (phải) hồi tháng 7. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã trì hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trong hơn một năm khi cáo buộc nước này quá khoan dung đối với các nhóm mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh, bao gồm lực lượng người Kurd và các thành viên của mạng lưới mà Ankara đổ lỗi cho âm mưu đảo chính bất thành năm 2016.
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thảo luận về tư cách thành viên của Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng trước. Nhưng cuộc họp bị hoãn lại sau khi các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trình kiến nghị tạm hoãn với lý do một số vấn đề cần được làm rõ hơn và các cuộc đàm phán với Thụy Điển vẫn chưa đủ "chín muồi".
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các cuộc thảo luận và phần lớn các nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Tóm tắt trước cuộc bỏ phiếu, Thứ trưởng Ngoại giao Burak Akcapar trích dẫn các bước Thụy Điển đã thực hiện để đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm dỡ bỏ hạn chế đối với các thương vụ ngành công nghiệp quốc phòng và sửa đổi luật chống khủng bố theo những cách mà "không ai có thể hình dung được trong 5 hoặc 6 năm qua".
Ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình của Thụy Điển. Theo ông, đây là một tiến trình đòi hỏi nỗ lực lâu dài và nhất quán.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billström hoan nghênh quyết định của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trên mạng xã hội X. Ông cho hay: "Bước tiếp theo là Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu về vấn đề này. Chúng tôi mong muốn trở thành thành viên của NATO".
Theo hãng tin AP, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh bước ngoặt nói trên, đồng thời tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ hoàn tất việc phê chuẩn càng sớm càng tốt. Theo ông, tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ làm cho NATO mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Hungary chưa thông báo thời điểm diễn ra tiến trình phê chuẩn.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)