Trước đây, mỗi năm học, giáo viên tiểu học chỉ tham dự một vài chuyên đề, tập huấn. Bởi thế, giáo viên rất hào hứng khi được tham gia để học hỏi cái mới, cái hay nhằm áp dụng vào việc giảng dạy, giáo dục học sinh của mình. Thế nhưng, khoảng hai năm gần đây, thầy cô giáo phải tham dự quá nhiều chuyên đề, tập huấn trong một năm học. Cụ thể, năm học 2018-2019 này, mặc dù mới bước sang tuần thứ 5 của chương trình năm học, vậy mà giáo viên tiểu học đã phải tham dự cả chục chuyên đề, tập huấn như: Xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục; tâm lý và phương pháp giáo dục học sinh cá biệt; STEM; tổ chức giáo dục hoạt động trải nghiệm; nếp nghĩ phát triển; một số phương pháp dạy học âm nhạc tiểu học hiện đại; phương pháp giảng lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học… Các chuyên đề, tập huấn đều được cho là hay và cần thiết phải áp dụng ngay vào thực tế trong năm học này. Do đó, tất cả các thầy cô giáo đều cảm thấy quá tải khi mới bước vào năm học. Mọi người đã “bội thực” trước quá nhiều những điều được tiếp thu từ các chuyên đề, tập huấn. Mặt khác, nhiều nội dung của các chuyên đề, tập huấn này, giáo viên chỉ mới hiểu lơ mơ, nắm lan man đã phải thực hiện trong lụp chụp để đối phó.
Thiết nghĩ, các chuyên đề, tập huấn nên tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Mỗi năm học chỉ cần vài chuyên đề, tập huấn nhưng có chiều sâu, giáo viên hiểu rõ, nắm kỹ để thực hiện tốt, hiệu quả cao hơn là quá nhiều như hiện nay để rồi “làm cho có, báo cáo cho hay”.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)