Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bước chuẩn bị quan trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Xem xét quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031, là một nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII kết thúc ngày 8-10 tại Hà Nội.
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV, với tinh thần phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Sau Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tháng 5 vừa qua, công tác chuẩn bị nhân sự cấp cao Đại hội XIV của Đảng chính thức được khởi động. Ngày 7-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được xác định đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu theo quy định… Việc quy hoạch bao gồm những cán bộ lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương và những Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm được giới thiệu tái cử.
Ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Với Quy định 96-QĐ/TW, việc lấy phiếu tín nhiệm được xác định là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Thông qua lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu như không đạt được yêu cầu tín nhiệm sẽ miễn nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang “tính chất tham khảo quan trọng”, mà trở thành nội dung quan trọng để đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Đây là những căn cứ quan trọng, để thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV.
Ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Với những quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với trước đây, Quy định số 114 được xem là một cơ sở quan trọng để đánh giá, lựa chọn, giới thiệu, quy hoạch cán bộ, nhất là nhân sự cấp cao và người đứng đầu các cấp. Đó phải đúng là những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân. Nhìn lại, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã có 93 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 19 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Ban Chấp hành Trung ương xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác 16 cán bộ diện Trung ương quản lý. Đây là những con số đáng suy nghĩ về công tác cán bộ thời gian qua và hiện nay.
Cùng với Điều lệ Đảng, các quy định, kết luận khác, Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 114-QĐ/TW được kỳ vọng là những thước đo chuẩn mực, đầy đủ, “nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn” đối với công tác cán bộ, xử lý kỷ luật Đảng hiện nay, từ đó có sự đánh giá chính xác, nghiêm minh về mỗi một cán bộ ở các cấp để làm công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cấp chiến lược các nhiệm kỳ tới. Thực tế trong nhiệm kỳ Đại hội XII và nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII cho thấy, công tác cán bộ có vai trò “cốt tử” trong nhiệm vụ chỉnh đốn, xây dựng Đảng, cũng như khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng hiện nay. Vì vậy, chuẩn bị nhân sự và thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV là công việc hết sức hệ trọng. Bởi đội ngũ và những người đứng đầu đó sẽ thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng, quyết định đường hướng phát triển của đất nước trong tương lai.
TRẦN LƯU (theo SGGP)

Bình luận (0)