1. Năm học chỉ vừa bắt đầu chưa được một tháng. Thầy cô đang vừa ôn, vừa dạy để giúp học sinh lấy lại nhịp học sau 3 tháng nghỉ hè. Giáo án, bài giảng và các phương tiện dạy học… là những sự chuẩn bị đã được thầy cô chăm chút, lên kế hoạch ngay từ đầu năm học. Giáo dục rất cần sự đổi mới, thầy cô chủ động, sáng tạo để phù hợp với nội dung từng bài học, phù hợp với mục tiêu giáo dục và chương trình của từng cấp học. Tuy nhiên, đừng lạm dụng việc đổi mới phương pháp giảng dạy đến mức thần tượng hóa một phương pháp nào đó, ví dụ như giao cho học sinh thuyết trình, trình chiếu PowerPoint… sẽ khiến các em cảm thấy áp lực, tiết học chưa chắc mang lại hiệu quả như mong đợi. Trước ý kiến “giáo viên không được trả bài học sinh bất ngờ” vì cho rằng đây là thói quen dạy học nặng về truyền thụ kiến thức, trả bài theo kiểu học thuộc lòng, gây áp lực cho học sinh và đi ngược lại với tinh thần đổi mới giáo dục, tôi cho rằng nói như thế là chưa đúng. Hoạt động đầu giờ là “Warm up” (khởi động), là để kéo sự chú ý của học sinh khi bắt đầu tiết học mới. Tùy vào nội dung, mục tiêu của từng tiết học mà thầy cô có thể thiết kế các hoạt động sao cho phù hợp, khơi gợi sự hào hứng, tạo hứng thú cho học sinh nhiệt tình tham gia các nhiệm vụ thầy cô giao. Thật ra việc này chẳng có gì mới, đã được nhiều thầy cô áp dụng trong các giờ học. Tuy nhiên, từ trước tới nay chúng ta vẫn hay dùng những từ như là “khảo bài miệng”, “truy bài đầu giờ”… làm cho học sinh có những “ác cảm” ngay từ giây phút thầy cô bước vào lớp.
Theo tác giả, giáo viên được toàn quyền lựa chọn phương pháp dạy học trong tiết dạy của mình (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Với vai trò là giáo viên, tôi cho rằng kiểm tra bài cũ, “khảo bài” không phải để “đánh đố”, “đánh úp” học sinh mà để nhắc lại kiến thức cũ, đồng thời giúp cả lớp cùng ôn tập qua việc trả lời của em học sinh được “khảo bài”. Với kinh nghiệm đi dạy, thầy cô thường thích những câu trả lời sai từ học sinh, những bài sửa chưa hoàn chỉnh, từ đó thầy cô có dịp để uốn nắn, củng cố kiến thức cho tất cả học sinh của lớp mình dạy. Tôi cho rằng việc kiểm tra bài cũ, nhắc lại kiến thức đã học là một phần không thể thiếu trong tiến trình bài dạy của một tiết học. Việc dạy học phải bảo đảm nguyên tắc kế thừa, kiến thức cũ là tiền đề, là bước tiếp nối để đi tới kiến thức mới. Tuy nhiên, ngoài cách “trả bài miệng” như từ trước tới nay thì thầy cô có thể lựa chọn những giải pháp khác. Không nhất thiết phải “khảo bài” đầu giờ mà có thể thầy cô đưa ra tình huống, hoặc cho học sinh tham gia các mini game, các câu hỏi ngắn qua một vài ứng dụng quen thuộc như là Quizz, Kahoot…, hoặc đan xen câu hỏi trong tiết dạy, có thể gọi một học sinh đứng dậy phát biểu, hoặc nhận xét câu trả lời của học sinh khác.
2. Giáo viên được toàn quyền lựa chọn phương pháp dạy học trong tiết dạy của mình. Bộ GD-ĐT hướng dẫn rất rõ tiến trình dạy trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, cụ thể một tiết dạy có 4 hoạt động cần thực hiện, trong đó hoạt động đầu giờ là hoạt động để xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu. Giáo viên đưa ra yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể để học sinh thực hiện (xử lý tình huống, câu hỏi, bài tập, thí nghiệm, thực hành…), yêu cầu học sinh trình bày cụ thể yêu cầu về nội dung và hình thức của sản phẩm hoạt động theo nội dung yêu cầu/nhiệm vụ mà giáo viên giao, từ đó học sinh phải hoàn thành: kết quả xử lý tình huống; đáp án của câu hỏi, bài tập; kết quả thí nghiệm, thực hành; trình bày, mô tả được vấn đề cần giải quyết hoặc nhiệm vụ học tập phải thực hiện tiếp theo và đề xuất giải pháp thực hiện. Với hoạt động này, thầy cô có thể đặt tình huống, hoặc đặt câu hỏi, hoặc đưa ra một thí nghiệm thực hành… Do vậy việc “khảo bài miệng” được xem là hình thức đặt câu hỏi, và không hề có áp lực như nhiều người vẫn nghĩ!
Có ý kiến cho rằng kiến thức học sinh học hôm nay là kiến thức của nhân loại, đã được khám phá theo dòng lịch sử. Vì sao lại yêu cầu học sinh phải “tái diễn”, “tái khám phá” các kiến thức này, như là việc phải đi chứng minh các định lý toán học, hay việc đo đạc các thông số của định luật vật lý… trong khi các câu trả lời có thể tiếp cận dễ dàng bằng việc tra cứu trên nền tảng kỹ thuật số. Tôi cho rằng để giúp học sinh tiếp cận với tri thức mới thì việc dạy học có thể đi bằng một trong hai con đường sau. Hướng đi thứ nhất là đi theo lối truyền thụ “truyền thống”, học sinh sẽ được tiếp nhận kiến thức từ thầy cô, từ sách vở, từ “kinh nghiệm của người đi trước” truyền lại. Hướng đi thứ hai là học sinh tự mình khám phá tri thức đó, sắm vai các “nhà bác học” để đi lại con đường tìm ra phát kiến. Tuy vậy, mỗi cách làm điều có những ưu điểm và nhược điểm. Với cách dạy truyền thống theo lối truyền thụ một chiều sẽ khiến học sinh học thụ động, gần như phụ thuộc vào người thầy. Còn với cách dạy “hiện đại”, học sinh phải tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, vận dụng kiến thức, kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của các em, hình thành một số năng lực cho các em trong quá trình học. Hiện nay việc áp dụng công nghệ số vào giảng dạy đang được triển khai ở các trường học. Nó giúp cho việc kiểm tra, đánh giá quá trình học của từng học sinh tốt hơn, cũng như các bài giảng, hoặc các yêu cầu/nhiệm vụ học sinh có thể thực hiện ở nhà trước khi đến lớp, hoặc xem lại sau các tiết dạy. Giáo viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn, là người điều phối công việc để học sinh “độc lập” giải quyết các vấn đề đưa ra, theo cách riêng tùy thuộc vào năng lực và phẩm chất của từng em. Đánh giá kết quả học tập cần phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập.
3. Dạy học là một nghệ thuật, mỗi người thầy sẽ gia giảm theo công thức riêng của mình, lựa chọn hình thức dạy học phù hợp, lôi cuốn được người học, tạo sự hứng thú học tập trong quá trình học sinh tìm hiểu kiến thức. Có thầy cô tuyên bố “nói không với giao bài tập về nhà”, hoặc như ý kiến “giáo viên không được trả bài học sinh bất ngờ” là những phát biểu nghe qua rất hay nhưng thực chất là viển vông, không thiết thực. Mỗi học sinh sẽ có một nhu cầu học tập khác nhau, không thể đòi hỏi sự đồng đều tuyệt đối. Khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực buộc phải chấp nhận sự phân hóa về cường độ, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, nhất là khi bài học được thiết kế thành một chuỗi công tác độc lập. Chính vì thế việc sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin chính là chìa khóa để đáp ứng yêu cầu cá thể hóa hoạt động học tập theo nhu cầu và khả năng của mỗi học sinh. Tôi cho rằng bên cạnh việc cho phép học sinh chủ động tìm kiếm thông tin, tranh luận theo hoạt động nhóm, thuyết trình… thì vẫn cần hướng học sinh quay về mục tiêu của bài dạy và thầy cô phải là người tổng hợp, chuẩn hóa kiến thức, đúc kết bài học. Do vậy đa số các tiết vẫn theo cách dạy truyền thống thì mới đảm bảo nội dung kiến thức được.
Là giáo viên, tôi mong mỏi ngành giáo dục phải có một sự nhất quán, có định hướng và có lộ trình cụ thể. Trong suốt ba tháng hè đều có những đợt tập huấn chuyên môn, những buổi họp toàn thể vậy mà chỉ một vài phát biểu đầu năm cũng khiến thầy cô hoang mang. Thầy cô đã chọn nghề dạy, cái nghề sẽ đi suốt quãng đời của thầy cô, thì dù khó khăn thế nào tôi tin thầy cô vẫn sẵn sàng chấp nhận đổi mới để phù hợp với xu thế, đáp ứng với nhu cầu xã hội; vì thầy cô đều luôn muốn trao gửi tình thương, khơi gợi hứng thú trong học tập cho học sinh, mang lại hiệu quả dạy và học về mặt kiến thức, kỹ năng và thái độ, hình thành năng lực và phẩm chất, hướng tới việc phát triển nhân cách của học sinh.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)