Chiều 7-9, UBND TPHCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì.
Theo Sở KH-ĐT TPHCM, đến hết tháng 8-2023, TPHCM đã giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng (đạt 29%). Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế do tổng số vốn năm 2023 của thành phố rất lớn, nhưng giá trị tuyệt đối số vốn giải ngân đầu tư công của TPHCM 8 tháng qua là cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm 2022, giải ngân 8 tháng đầu năm của TPHCM cao hơn gấp 2 lần.
Sở KH-ĐT đã đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Trong đó, đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn bổ sung tăng thêm để điều chuyển vốn năm 2023 cho các dự án này.
Cụ thể, Sở KH-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư các dự án dự kiến trình HĐND TPHCM, UBND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư gồm 7 dự án nhóm A với tổng mức đầu tư gần 18.400 tỷ đồng, khoảng 300 dự án nhóm B và nhóm C với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.
Quang cảnh họp báo
Khi các chủ đầu tư và sở ngành hoàn tất công tác lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án, sở sẽ tham mưu việc điều chuyển số vốn dự kiến không thể giải ngân bố trí kế hoạch vốn năm 2023 để khởi công, thực hiện các dự án này. Bên cạnh đó, Sở KH-ĐT đề xuất TPHCM, tiếp tục rà soát đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; thực hiện điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Từ nay đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2023, Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tập thể và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các chủ đầu tư. Trường hợp kết quả giải ngân năm 2023 đạt dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan theo đúng chỉ đạo của UBND TPHCM.
Liên quan tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ ngày 28-8 đến ngày 3-9, số ca bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, do học sinh đi học lại và TPHCM đang trong mùa mưa, nên nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực thì bệnh dễ có nguy cơ tăng trở lại. Bên cạnh đó, những ngày gần đây, bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng. HCDC khuyến cáo cần lưu ý phòng chống lây lan trong trường học.
Về việc tiền điện tăng cao trong tháng 8 vừa qua, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC) lý giải do số lượng ngày sử dụng điện tăng lên, số lượng điện tăng kéo theo giá điện tăng theo định mức.
Cụ thể, trong tháng 8-2023, các công ty điện lực đã triển khai thay đổi ngày ghi điện về cuối tháng hơn 400.000 khách hàng thuộc các phiên ghi điện cũ ghi từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng. Do đó, ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 8 đối với nhóm khách hàng này tăng thêm từ 11 đến 28 ngày. Trong khi đó, tiền điện được tính theo mức bậc thang, số kwh ở mỗi bậc thang được tính tăng thêm tương ứng với số ngày sử dụng tăng thêm, nên tiền điện tháng 8 sẽ cao hơn so với tháng trước.
Ngoài ra, nguyên nhân khách quan có thể là các ngày trong tháng 8, thời tiết nắng nóng hơn nên nhu cầu sử dụng điện cũng tăng hơn so với tháng 7. Ông Kiên cho biết, khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra lượng điện tiêu thụ hàng ngày của gia đình mình trên ứng dụng CSKH-EVNHCMC để rõ hơn.
NGÔ BÌNH (theo SGGP)
Bình luận (0)