Chúng tôi được đẩy vào một căn phòng lớn nhưng rất ngột ngạt vì gần 10 chiếc giường tầng kê sát nhau chiếm gần hết lối đi, trên đó khoảng 20 người bệnh đang chen chúc ngồi, nằm, ai ai cũng mệt mỏi phờ phạc sau buổi điều trị. Để tăng thêm thu nhập, nhiều chủ trọ kê giường cho người bệnh ở góc bếp, góc hành lang, gầm cầu thang ẩm mốc tối tăm…
Gầm cầu thang được trưng dụng làm nơi cho người bệnh nằm
“Giá nào cũng có”
Trong vai một người bệnh ở tỉnh về BV Ung bướu TP.HCM khám bệnh, có nhu cầu tìm trọ do phải ở lại qua đêm, chúng tôi tìm đến hẻm số 5 đường Nơ Trang Long (phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Vừa vào đến con hẻm, một phụ nữ ngồi trên ghế bố bên ngoài lề đường vội vã đứng dậy mời mọc “thuê trọ phải không em, vào đây xem giá nào cũng có, giàu nghèo đều ở được”. Từ bên ngoài nhìn vào, người nằm ngồi la liệt trên nền gạch trải chiếu hoặc ghế bố. Dẫn chúng tôi qua lối đi hẹp, vừa đi người này vừa cho biết, giá thuê trọ tại đây có nhiều mức khác nhau, cụ thể thuê ghế bố 70 nghìn đồng/đêm/ghế, thuê giường (loại giường tầng bằng sắt) 90 nghìn đồng/đêm/giường, rẻ nhất là trải chiếu trên nền gạch với giá 50 nghìn đồng/người/đêm. Đẩy chúng tôi vào một phòng lớn sâu phía bên trong, tại đây có khoảng 10 chiếc giường tầng được kê sát nhau, cả tầng trên lẫn tầng dưới có gần 20 người nằm ngồi chen chúc khổ sở, cạnh đó là nhiều người bệnh nằm vất vưởng dưới gầm cầu thang tối om. Căn nhà này có 3 tầng, 2 tầng trên cũng trong tình trạng chật chội tương tự. Dọc cầu thang, hoặc bất cứ vị trí nào còn trống đều được chủ nhà trưng dụng để kê đồ đạc tư trang của người bệnh, hầu hết là quần áo, đồ dùng cá nhân.
Ở căn nhà bên cạnh treo sẵn tấm bảng “phòng trọ bình dân” phía bên ngoài để thu hút khách. Chủ nhà này cho biết, giá thuê ghế bố là 50 nghìn đồng, giường tầng có giá 70 nghìn đồng. “Đó là dịch vụ cho người bệnh nghèo còn khấm khá hơn thì ở phòng kín từ 120 đến 150 nghìn đồng (đối với phòng quạt), 250 nghìn đồng đối với phòng điều hòa có nhà vệ sinh”, chủ nhà này nhấn mạnh. Cũng như nhà trọ trước, ở đây đều tính tiền theo đêm đối với mỗi giường hoặc phòng, người thuê có thể thanh toán theo đêm hoặc thanh toán sau khi điều trị xong. Theo quan sát, tại đây chủ nhà trưng dụng cả góc bếp gần bình gas loại 12kg để kê thêm 3 chiếc giường bố cho khách nằm, không khí nặng mùi ẩm mốc, hôi hám do bám mùi thức ăn.
Không bằng lòng với ghế bố, giường tầng vì quá chật chội, chúng tôi được tiếp tục dẫn lên tầng 2 của căn nhà là nơi có phòng riêng. Nói là phòng riêng cho sang, thực chất mỗi phòng chỉ chưa tới 7m2 được ngăn cách bằng ván ép, bên trong chỉ đủ kê một chiếc nệm mỏng đã mốc meo, trên tường có quạt bám đầy bụi bặm, thành ván và tường nhiều vệt ố màu bốc lên thứ mùi kinh khủng. Ở phòng bên cạnh, một người phụ nữ vóc dáng khá cao phải nằm co chân mới gọn được trên giường. Sau đợt hóa trị, vẻ mệt mỏi cau có hiện rõ trên mặt nhiều nếp nhăn, không còn chút sức lực bà đành cam chịu để có chỗ ngả lưng. Trong cảnh nhốn nháo cuối chiều, một người đàn ông mới đến thuê tất tả chạy đi tìm nhà vệ sinh. Người này phải chạy xuống tầng trệt chờ một lúc mới đến lượt mình.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Tại một nhà trọ khác, vợ chồng chủ nhà tên Sơn cho biết, nắm bắt nhu cầu của người bệnh phần đa là người có thu nhập thấp nên tại đây có cho thuê thêm võng với giá 30 nghìn đồng/đêm. Còn lại các dịch vụ giường tầng, phòng quạt, phòng lạnh cũng như những nơi khác dao động từ 90 đến 250 nghìn đồng/ đêm. Dù giá phòng khá cao nhưng nhìn chung chất lượng đều rất tệ, nhiều phòng đã xuống cấp trầm trọng. Hỏi về các nguy cơ mất an toàn như trộm cắp, móc túi, tình trạng cháy nổ, hoặc mất vệ sinh do giường chiếu không được vệ sinh thường xuyên, người đàn ông tên Sơn khẳng định chắc nịch: “Ở đây đều có camera (vừa nói vừa chỉ tay lên các góc tường tuy nhiên chúng tôi đều không nhìn thấy bất cứ camera nào – PV), lại thêm buổi tối sau 22 giờ thì nhà đóng cửa, đối tượng xấu bên ngoài không thể trà trộn vào, còn người bệnh hầu hết là cảm thông cho nhau nên không xảy ra tình trạng trộm cắp vặt”. Về khả năng cháy nổ, người này ậm ờ cho qua chuyện bằng câu trả lời “5 năm nay chưa hề có vấn đề gì về cháy nổ”.
Tại một nhà trọ, người bệnh nghèo chấp nhận thuê võng với giá 30 nghìn đồng/đêm
Qua khảo sát của chúng tôi, ở hẻm số 5 có khoảng gần 10 hộ gia đình có kinh doanh phòng trọ. Hầu hết phòng ốc đều đã xuống cấp nhưng giá vẫn “cắt cổ”. Ở mặt tiền đường Nơ Trang Long ngay đối diện với BV Ung bướu và BV Nhân dân Gia Định nhiều hộ gia đình cũng đang kinh doanh loại hình này, chất lượng chẳng khá hơn là bao. Không chỉ diễn ra ở quận Bình Thạnh, tình trạng này cũng phổ biến xung quanh các BV lớn trên địa bàn TP như quận 5, quận 3. Tuy nhiên khác với những nhà trọ trên, hầu hết nhà trọ trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường 12, quận 5, đối diện cổng chính BV Chợ Rẫy) lại cho thuê các dịch vụ theo giờ. Cụ thể, võng khoảng 30 nghìn đồng/giờ, ghế bố 40 nghìn đồng/giờ. Đối với những khách hàng qua đêm giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/đêm.
Bà Lê Thị Hào (56 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) nằm mệt mỏi trên ghế bố. Bà kể phát hiện ung thư vú từ năm 2015, hơn 3 năm nay ngoài các đợt hóa trị thì đều đặn mỗi tháng 1 lần bà phải quay lại BV để tái khám. Tùy thuộc vào yêu cầu của bác sĩ và tình hình bệnh, mỗi đợt bà phải trọ lại ở TP khoảng 2 đến 4 ngày. Bà Hào nhớ lại, cách đây hơn 1 năm bà thuê trọ ở trước cổng BV, mệt mỏi nên ngủ say đến sáng thức giấc điện thoại cùng ví tiền có 6 triệu đồng luôn để bên trong áo đã “không cánh mà bay”. Tiền chữa bệnh, đi đường bỗng nhiên mất tích¸bà Hào làm um sùm đòi chủ nhà phải giải thích nhưng chỉ vô ích vì tại đây có quy định người bệnh tự bảo quản tư trang, mất mát chủ nhà không chịu trách nhiệm. Còn chị Lê Thị Hiển (39 tuổi, quê Cam Ranh, Khánh Hòa), 6 năm nay điều trị tại Khoa Nội 4, BV Ung bướu. Chị Hiển chia sẻ, sau cuộc phẫu thuật 6 năm trước, mới đây chị phát hiện bị di căn sang hạch nách phải mổ lần 2. “Hoàn cảnh khó khăn, lại thêm nghe nhiều người bệnh phàn nàn tình trạng mất trộm, móc túi khi ở trọ bên ngoài nên tôi mua mảnh chiếu ngả lưng ở hành lang BV. Ở đây có bảo vệ BV ra vào thường xuyên đỡ lo lắng hơn. Hôm trước mới có người khóc kể mất ví tiền, mọi người thương tình ủng hộ mỗi người một ít để bả có tiền đi xe về quê…” – chị Hiển kể lại.
Bài, ảnh: Hồng Cầm
Bình luận (0)