Những cuốn sách Ngữ văn 9 và Ngữ văn 12 tôi dẫn ra ở đây mãi đến tháng 9-2024 mới bắt đầu đưa vào giảng dạy, nếu được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Nhưng ngay từ bây giờ (7-2023) chúng đã phải được hoàn thành, như những cuốn sách hoàn chỉnh. Song không phải đơn giản cứ thế đem ra dùng. Bốn tháng tới chúng sẽ phải trải qua các cuộc “giải phẫu”, xem xét của Hội đồng thẩm định quốc gia ít nhất 2 lần…
Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 12 (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Sau mỗi lần lại phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Rồi tiếp tục góp ý của chuyên gia, đưa lên mạng xin ý kiến giáo viên…, rồi lại tiếp tục chỉnh sửa. Cuối cùng Hội đồng thẩm định quốc gia bỏ phiếu, phải 100% thành viên tán thành, sách mới được Bộ GD-ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong các nhà trường phổ thông. Đầu năm 2024 là hoàn thiện và tổ chức giới thiệu, in ấn. Khoảng tháng 6-2024 là có sách chính thức để phát hành và tập huấn cho giáo viên. Sách Ngữ văn 9 và Ngữ văn 12 biên soạn theo chương trình 2018 sẽ triển khai giảng dạy vào năm học 2024-2025, bắt đầu từ tháng 9 năm tới. Nghĩa là cuộc leo đèo của chúng tôi đã sắp tới đỉnh.
5 năm đã trôi qua, kể từ khi bắt tay vào biên soạn sách lớp 6 (2019), đến nay (2023) sách của 2 lớp cuối đã được hoàn thành. Dù còn phải trải qua thẩm định, đánh giá, chỉnh sửa, hoàn thiện… vất vả như trên, nhưng tôi tin sẽ đến ngày kết thúc tốt đẹp. |
Những cuốn sách nhìn không dày, nhưng là công sức của rất nhiều người, làm việc vất vả hơn một năm trời, trải qua rất nhiều khâu: Từ xây dựng đề cương, bàn góp trao đổi, lựa chọn văn bản đến biên soạn, chú thích, chỉnh sửa câu chữ; từ biên tập đến họa sĩ thiết kế, minh họa, dàn trang, vẽ bìa, in ấn, đóng xén, vào bìa… Rất nhiều lần tác giả sách phải xem xét, chỉnh sửa; các chủ biên, tổng chủ biên phải đọc đi đọc lại, góp ý hoàn thiện bản mẫu trước khi nộp cho Bộ GD-ĐT để tiến hành thẩm định.
Có người nói, sao qua nhiều bước, nhiều khâu kỹ càng thế mà vẫn còn sai sót? Tôi chỉ biết xin lỗi và kể lại câu chuyện mà tôi từng đọc được: Có người phụ nữ đạo Hồi, suốt năm miệt mài, cẩn thận dệt một tấm thảm đẹp để dâng lên nhà vua. Dệt xong, khi xem lại bà giật mình hoảng hốt vì thấy không có một lỗi nào. Bà bèn âm thầm làm hỏng đi một mối dệt, để cho có lỗi. Mọi người ngạc nhiên: Vì sao lại thế? Bà chỉ nói: Nếu tôi không làm thế là tôi đã xúc phạm đấng A-la. Vì chỉ có đấng A-la mới làm mà không mắc lỗi. Một câu chuyện khác: Có lần, Tòa thánh Vatican muốn in một cuốn Kinh thánh thật chuẩn. Người ta cho vỗ một bản in thử, dán lên tường tòa Thánh ở Roma (Ý) và kêu gọi thiên hạ: Ai phát hiện ra lỗi thì sẽ được thưởng tiền. Sau một thời gian dài, ban tổ chức thu được khá nhiều góp ý và sửa chữa tất cả các lỗi đã được phát hiện. Hoàn tất công việc, họ rất hài lòng mang đi in, đinh ninh là sẽ có một cuốn sách hoàn hảo. Nhưng sách vừa in ra, người ta thấy lỗi ngay trang bìa: Chữ Bible (Kinh Thánh) được in thành Bile (túi mật)…
Những người biên soạn sách giáo khoa, các vị trong Hội đồng thẩm định, những người góp ý cũng chỉ là con người bình thường, không phải thánh thần. Họ chỉ có thể cố gắng tối đa để làm tốt nhiệm vụ của mình. Chẳng ai muốn mắc lỗi cả; nhưng biên soạn hàng chục tập sách với hàng ngàn trang như thế làm sao mà không mắc một lỗi nào? Chỉ cố gắng để đừng mắc những lỗi đáng tiếc, những lỗi không nên có.
5 năm đã trôi qua, kể từ khi bắt tay vào biên soạn sách lớp 6 (2019), đến nay (2023) sách của 2 lớp cuối đã được hoàn thành. Dù còn phải trải qua thẩm định, đánh giá, chỉnh sửa, hoàn thiện… vất vả như trên, nhưng tôi tin sẽ đến ngày kết thúc tốt đẹp. Sách giáo khoa Ngữ văn bộ Cánh diều của hai cấp trung học (7 lớp) đã xong, đã và sẽ lần lượt ra đời. Xin cảm ơn tất cả các thầy cô giáo ngữ văn trên nhiều địa phương đã chân tình góp ý kiến cho chúng tôi; đã tin cậy, lựa chọn bộ sách này để giảng dạy. Hy vọng bộ sách đáp ứng được sự tin tưởng, tình cảm yêu mến của học sinh, các thầy cô giáo và những người quan tâm.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)