Trong cuốn “Đaghextan của tôi” (Ra xun Gam-za-tôp) có viết: “Bạn có thể qua nhà hàng xóm xin lửa về nhóm bếp lửa của mình nhưng không thể xin lửa về nhóm lên ngọn lửa trong tim mình”.
Ngọn lửa của lòng yêu văn chương cũng vậy, mỗi người tự cháy lên bằng thực lực của mình. Nhưng liệu không có những người thầy dạy dỗ, chỉ bảo, động viên, khuyến khích thì mình có vững bước trên con đường văn học hay không? Tôi may mắn được học những người thầy giàu tâm huyết, yêu nghề mến trẻ và luôn có những lời động viên, khuyến khích đúng nơi, đúng lúc nên tôi càng yêu bộ môn văn hơn. Nói học sinh là chủ thể của dạy học thì chỉ đúng một phần; theo tôi, người thầy mới là chủ thể tích cực trong quá trình giảng dạy. “Không thầy đố mày làm nên”, đồng ý là ngày nay việc tương tác giữa giáo viên và học sinh thoáng hơn ngày trước nhưng tìm được người thầy truyền lửa rất khó! Những năm đầu của thập niên 70 (thế kỷ XX), sách giáo khoa trên miền Bắc rất hiếm hoi. Sách truyện, sách tham khảo lại càng hiếm. Vậy mà thầy Lê Quang Vinh (người Huế đi tập kết, học xong ĐH sư phạm văn, về mái trường miền Tây Nghệ An dạy học và “bám rễ” tại đây) vẫn tìm cho tôi những cuốn sách quý. Thầy dặn đi dặn lại là cần giữ gìn cẩn thận; không chuyền tay cho người khác vì sợ thất lạc! Đó là những cuốn như “Thép đã tôi thế đấy”; “Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc”; “Dế Mèn phiêu lưu ký”; “Đất rừng phương Nam”… Các câu chuyện, những số phận con người đã theo tôi suốt chặng đường dài. Những năm vào chiến trường, các câu chuyện trên được tôi kể cho đồng đội cùng nghe. Và những năm tháng học ĐH, rồi dạy học ở miền sông nước Tây Nam bộ, những hình ảnh về mảnh đất nơi tận cùng càng thêm được nhân lên từ thực tế. Thầy Vinh thường nói với chúng tôi, những học sinh trong đội tuyển dự thi văn ngày đó, rằng: “Người học văn thì nhìn màu nắng hạ cũng khác; đó là màu của niềm vui, màu của mùa phượng nở, của tiếng ve kêu và là màu nắng khó quên của buổi chia tay mùa hạ…”.
Lòng say mê, đam mê của bản thân mình chưa đủ mà còn phải lan tỏa niềm say mê đó qua người khác. Từ đó góp phần cho bạn bè thương nhau hơn, hiểu nhau hơn qua một trang sách, qua một bài thơ về tình bạn, về tình yêu buổi ban đầu… Người thầy truyền lửa bây giờ thật hiếm! Chương trình mới, cách truyền thụ mới, cuộc sống gấp gáp, hối thúc và đầy áp lực đã dần dần làm cho con người dửng dưng với môn văn, một bộ môn lẽ ra có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục, hình thành nhân cách con người.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)