Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Kiếm tiền từ nghề lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Xã hội phát triển, nhu cầu học tập, làm việc, sinh hoạt và vui chơi giải trí của con người cũng không ngừng tăng lên cả về chất lượng và hình thức. Từ những nhu cầu ấy, cộng với sự hỗ trợ của công nghệ, ngày càng tạo ra nhiều cơ hội để người trẻ kiếm tiền. 

Nghề theo xu hướng

Trước đây, khi internet chưa phát triển, người trẻ thường kiếm tiền từ những công việc đơn thuần như làm nhân viên văn phòng, kinh doanh, hoặc làm một số công việc truyền thống.

Ngày nay, tranh thủ sự vượt trội của công nghệ, sự kết nối của thế giới, nhiều công việc mới được du nhập và phát triển bởi sự nhạy bén và sáng tạo của người trẻ.

Một vài năm trước, nói đến nghề Food Stylist (người tạo hình ảnh đẹp cho món ăn theo yêu cầu khách hàng) – hẳn nhiều người sẽ lấy làm lạ. Trên thực tế, nghề Food Stylist đã và đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn, theo đuổi.

Kiếm tiền từ nghề lạ ảnh 1
Nghề Food Stylist đã và đang được nhiều bạn trẻ theo đuổi
Bằng năng khiếu, thẩm mỹ, ý tưởng độc đáo và kỹ năng làm bếp vô cùng tỉ mỉ, sáng tạo, các stylist (tạo phong cách) cho ra những món ăn được trang trí đẹp mắt, sắp xếp hợp lý và chụp lại để làm mẫu. Mục đích cuối cùng là giúp truyền tải được thông điệp của món ăn và hấp dẫn thực khách.

Nhắc đến nghề trang điểm, khoảng 2 năm nay, giới trẻ Việt còn có cơ hội kiếm tiền bằng nghề Faceup (trang điểm búp bê hoặc ma nơ canh). Trước đây, búp bê thường được mặc định là đồ chơi của trẻ em, được sản xuất theo công nghiệp nên có cùng một kiểu gương mặt, cách trang điểm.

Vì vậy, người ta tính đến chuyện trang điểm cho những con búp bê ấy trở nên khác biệt để thu hút những đối tượng là người lớn yêu thích búp bê. Dần dần, nghề này trở thành công việc đem lại thu nhập khá cho một số bạn trẻ theo đuổi nó.

Bên cạnh đó, những cửa hàng thời trang cao cấp lại có xu hướng lựa chọn mẫu ma nơ canh đã được trang điểm phù hợp với từng dòng sản phẩm, có phong cách riêng để hút khách nên thị trường của nghề này ngày càng được mở rộng.

Mọi người biết đến Scrapbook (hay còn gọi là album, một hình thức lưu trữ những thông tin liên quan đến lịch sử cá nhân và gia đình trong định dạng của một sổ lưu niệm), nhưng thời kỷ nguyên số hiện nay, Scrapbook điện tử vừa hình thành và đang là xu hướng được nhiều người sử dụng.

Tuy không quá khó nhưng Scrapbook điện tử đòi hỏi phải có thời gian để cắt gọt từng khung hình và trang trí sao cho thật logic, sinh động, cũng bởi vậy mà nhiều bạn trẻ kiếm tiền được từ công việc tiềm năng này. Phạm Huyền Anh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, Scrapbook điện tử đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới và thực sự là một hình thức lưu trữ tiện lợi.

Thay bằng những cuốn album truyền thống, vừa mất công cất giữ, hình ảnh cũng có thể phai mờ theo thời gian thì hình thức này giúp mọi người có thể lưu trữ vô số hình ảnh, thông tin, cập nhật liên tục và có thể xem, chia sẻ bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Khác với những nghề kiếm tiền phụ thuộc vào công nghệ đang nổi đình đám trên mạng xã hội như livestream kinh doanh, sản xuất clip đăng YouTube thì nghề Streamer hay còn được gọi là Caster game online  (bình luận game) lại phải trải qua một giai đoạn vật lộn với những cái nhìn không mấy thiện cảm từ mọi người, trước khi được một bộ phận người trẻ đón nhận.

Đến lúc này, nhiều bạn trẻ mới mạnh dạn coi đó là công việc mang lại thu nhập khá, có thể phát triển được trên thị trường.

Kiếm tiền không dễ

Điểm chung của các nghề trên không chỉ là “lạ” mà thu nhập còn rất khá, nhưng không phải ai cũng có thể kiếm tiền được từ những nghề ấy.

Để Food Stylist trở thành nghề “tay phải”, Bùi Thiên Hương, 28 tuổi (ngụ quận Phú Nhuận) đã phải mất nhiều năm vừa làm công việc văn phòng, vừa mày mò tự học cách trang điểm món ăn từ các clip hoặc tạp chí nước ngoài.

Theo Thiên Hương, có năng khiếu nấu ăn và đam mê thôi chưa đủ, stylist phải học về từng loại nguyên liệu, gia vị để trang trí, như: mùi vị, tác dụng của mỗi loại và khi kết hợp với nhau để không chỉ ngon, đẹp mà phải tốt cho sức khỏe.

“Để theo đuổi và sống được với nghề, stylist không chỉ trang trí đẹp, nấu ăn giỏi mà còn phải là một thầy thuốc, một nhà văn hóa, một đạo diễn… để món ăn thực sự truyền tải được thông điệp của nó”, Thiên Hương nói.

Trần Minh Tài (ngụ quận 8), cựu sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, đã tìm được niềm vui ở nghề trang điểm búp bê và ma nơ canh. Tài tiết lộ, mỗi con búp bê sau khi được trang điểm có thể được trả thù lao 500.000 – 800.000 đồng, ma nơ canh thì thù lao có thể lên tới 1,5 – 2 triệu đồng/con, tùy độ khó.

Vì trang điểm bằng cọ và màu vẽ nên phải tẩy hết lớp trang điểm được in sẵn trên búp bê. Để có được thần thái tươi mới hơn, sắc nét hơn, người trang điểm phải thổi được hồn vào mỗi con búp bê vốn vô tri qua lớp trang điểm bên ngoài.

“Nghe kiếm tiền bằng công việc này có vẻ dễ nhưng thực sự không phải vậy. Vì gương mặt búp bê, ma nơ canh vô hồn, cả trăm con như một nên người trang điểm phải “biến hóa” sao cho mỗi con có ấn tượng riêng, phong cách riêng, nhìn vào là phải thấy ngay thần thái thì mới thu hút khách”, Tài cho biết.

Riêng Phạm Thái Anh, 23 tuổi (cựu sinh viên Đại học Thương mại Hà Nội) lại bén duyên với nghề Streamer bởi ham game online. Thái Anh cho biết, thời gian đầu, mọi người xung quanh nhìn cậu với ánh mắt dè chừng và coi như một “con nghiện” game hết thuốc chữa. Gia đình và bạn bè cho rằng, Streamer chỉ là cái cớ để thỏa sức chơi game của Thái Anh.

“Họ nghĩ vậy cũng đúng, thời gian của giới Streamer đúng kiểu “ngủ ngày cày đêm”, 4-5 giờ sáng mới ngủ, đến 1-2 giờ chiều dậy ăn uống rồi “cày” đến sáng hôm sau. Chính áp lực từ gia đình, xã hội và lệch thời gian sinh học, phải cạnh tranh khốc liệt với các streamer khác nên nhiều bạn không trụ nổi”, Thái Anh tâm sự.

Dù những nghề “lạ” mang lại thu nhập khá nhưng tuổi thọ của nghề cũng là vấn đề, bởi các nghề hình thành và phát triển theo xu hướng, nghĩa là công việc thức thời.

Khi xu hướng này qua đi, sẽ có xu hướng khác thay thế, bởi vậy ngoài tập trung làm giỏi nghề, còn cần trau dồi kiến thức để có định hướng rõ ràng hơn cho công việc của mình.

PHONG HẢI/SGGP

Bình luận (0)