Các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) khẳng định mô hình giáo dục theo hướng mở, bỏ qua rào cản pháp lý, kỹ thuật… sẽ tạo điều kiện cho trường và doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đảm bảo đầu ra.
Học sinh một trường TC đang thực hành nghề hàn
Giao quyền tự chủ cho các trường
GDNN theo hướng mở được TS. Hoàng Ngọc Vinh (Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam) nhìn nhận: “Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng như người học, hệ thống GDNN phải mềm dẻo, không cứng nhắc cho phép người học có thể học bất cứ thời gian nào, ở đâu…, miễn đầu ra được doanh nghiệp đánh giá cao và tuyển dụng. Tuy nhiên, quan điểm đào tạo nghề này hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, đặc biệt là từ phía cơ quan quản lý Nhà nước”.
TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) đánh giá cao mô hình GDNN theo hướng mở, cho phép các trường và doanh nghiệp chủ động trong đào tạo với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng đào tạo. “Để mô hình này thành công, Nhà nước cần giao cho các trường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, toàn quyền quyết định trong các hoạt động”, TS. Nguyễn Thị Hằng kiến nghị.
Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến thẳng thắn nói: “Nhiều năm nay, hệ thống GDNN hoạt động “đóng” theo khuôn khổ, chỉ tập trung ở đầu vào và hướng tới thi cử, không quan tâm lắm đến GDNN theo hướng mở trong khi chất lượng đào tạo thì chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Rào cản lớn trong thực hiện đào tạo theo hướng mở là do giáo viên, học sinh – sinh viên yếu kỹ năng, thêm nữa là các cơ sở đào tạo còn yếu về hạ tầng, đặc biệt là vấn đề pháp lý”.
Trong khi đó, PGS.TS Cao Hùng Phi (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) cho rằng mô hình đào tạo theo địa chỉ, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp hiện nay đang có hiệu quả nhất định, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, các trường cần phát triển mạnh mô hình này. Tuy nhiên, để chương trình gắn kết bền vững cần xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ GDNN lên ĐH theo chuẩn các trình độ của từng nhóm ngành đào tạo.
Đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời
Tại buổi lễ ký kết hợp tác đào tạo nghề với Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, ông Thái Văn Thành (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Cơ khí Đại Thành) khẳng định: “Hơn ai hết doanh nghiệp hiểu rõ năng lực sinh viên đến đâu và cần đào tạo lại những gì. Vì vậy ngay đầu từ bỏ qua rào cản cơ sở pháp lý, khung chương trình quy định để quá trình đào tạo có chất lượng, sinh viên ra trường đi làm ngay và không phải đào tạo lại”.
TS. Doãn Mậu Diệp (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết phát triển hệ thống giáo dục mở, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề, tạo việc làm là xu hướng chung của các nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục mở là phá bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người về cơ hội tiếp cận việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.
TS. Doãn Mậu Diệp cho biết Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25-10-2017 chủ trương “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động”. Tuy nhiên, phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt là vấn đề chưa được nghiên cứu thấu đáo, còn ý kiến khác nhau, vì vậy rất cần sự tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo, doanh nghiệp và người lao động.
Bà Britta van Erckelen (Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – GIZ thuộc Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết việc xây dựng và phát triển hệ thống GDNN mở, năng động, toàn diện theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cung cấp cơ hội việc làm đầy đủ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lực lượng lao động.
T.An
Bình luận (0)