Trước việc triển khai mảng xanh ì ạch, năm nay, TPHCM đã giao các cơ quan chức năng lên kế hoạch xây dựng mới 10ha công viên và 2ha mảng xanh; trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh với mục tiêu nâng tỷ lệ mảng xanh lên 3-4m²/người.
Chung tay làm xanh mát khu dân cư
Ngồi trước hiên nhà rợp bóng cây xanh với đủ thể loại dây leo, cây kiểng, ông Trần Quang Tuấn (ngụ hẻm 629 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) cho biết, gần 10 năm qua, bà con hai bên hẻm tự phát triển và duy trì mảng xanh trước nhà, không chỉ tạo ra không gian mát mẻ cho chính nhà mình mà còn phủ xanh cả hẻm mát rượi.
“Trước đây, người dân ít giao tiếp với nhau. Từ khi có phong trào “xanh hóa hẻm”, người đi qua lại khen cây đẹp, tặng cây cho nhau, hướng dẫn cách thức chăm sóc cây khiến tình cảm xóm làng gắn bó hơn. Từ đó, ở con hẻm này, không ai bảo ai nhưng tất cả đều tự nguyện chăm sóc cây trước nhà mình và còn trang trí cho hẻm thêm đẹp”, ông Tuấn kể.
Tại hẻm 80 đường Cao Thắng (quận 3), hàng chục chậu hoa, bonsai, cây cảnh xanh mướt được người dân thiết kế áp sát hai bên vách tường khoảng 60m. Một người dân sinh sống trong hẻm cho biết, thời gian đầu, bà con góp đất và gom các loại vật liệu như bình nước, ống nước, thùng xốp để làm chậu trồng cây.
Sau đó, phường phát động phong trào làm mảng xanh, vừa làm đẹp khu phố vừa bảo vệ môi trường nên bà con nhiệt tình hưởng ứng, biến một đoạn bờ tường dài cũ kỹ, nhếch nhác thành những mảnh vườn nhỏ mát xanh.
Bức tường xanh sống động giữa lòng thành phố tại hẻm 80 đường Cao Thắng, quận 3, TPHCM.
Chưa có thống kê chính thức từ ngành chức năng về số hẻm, khu phố đã được xanh hóa nhờ sự chung tay của chính quyền địa phương và người dân, nhưng chắc chắn con số là không ít. Không chỉ có vậy, cách nay hơn 10 năm, Sở GTVT TPHCM đã có thư kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia trồng cây xanh trên một số tiểu đảo ở một số tuyến đường.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều doanh nghiệp đã tham gia trồng cây xanh ở nhiều tiểu đảo giao thông trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố.
Huy động nguồn lực xã hội hóa
Theo thống kê mới đây, mặc dù TPHCM có nhiều nỗ lực nhưng mật độ cây xanh công cộng/người hiện tại thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cây xanh quốc gia. Hiện chỉ tiêu cây xanh mới đạt khoảng 0,55m²/người, trong khi chỉ tiêu quốc gia là 7m²/người. Chưa kể, theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị đặc biệt như TPHCM thì chỉ tiêu phải là 15m²/người.
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng TPHCM đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường, nâng cao mức đạt chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố.
Về giải pháp, theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng ít nhất 150ha đất công viên và 10ha mảng xanh công cộng, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại.
Mới đây, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan, ngay trong năm 2023 phải thực hiện đầu tư xây dựng mới 10ha công viên và 2ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh với mục tiêu nâng tỷ lệ mảng xanh lên 3-4m²/người.
Hẻm 468 đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TPHCM với cây xanh phủ khắp.
UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan rà soát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng, cho thuê đối với các khu đất có nguồn gốc đất công hoặc được quy hoạch là đất công viên để xây dựng, phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2023-2025.
Đặc biệt, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phải đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển khu dân cư trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đầu tư mảng xanh trong diện tích của dự án theo quy định và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước…
Để triển khai kế hoạch trên, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, sở đang lên kế hoạch phối hợp các đơn vị liên quan tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư. Nhà nước sẽ làm quy hoạch cho các chỉ tiêu của từng dự án, đặc biệt là có chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng công viên.
Trong khi đó, TS Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM), cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở trung tâm như các quận 1, 3, 4, 5, 10… không còn thì nên tập trung phát triển ở vùng đô thị mới và vùng ven đô thị. Trong nội đô, chính quyền địa phương nên tiếp tục vận động người dân trồng cây xanh phủ mát nhà, hẻm, vỉa hè, đặc biệt cần có kế hoạch trang trí cây xanh cho các công trình bị bê tông hóa như cầu, nhà chờ xe buýt…
Tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế công viên 150ha
Phó Chủ tịch UBND quận 12 (TPHCM) Đậu An Phúc cho biết, sau khi được UBND TPHCM chấp thuận, quận sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế khu công viên cây xanh tại phường Thạnh Xuân và phường Thới An, rộng 150ha.
Đây là công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận 12 lần VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Công viên được quy hoạch đa chức năng vừa phục vụ nhu cầu về thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng (không lưu trú) vừa kết hợp chức năng về điều tiết nước và chứa nước sạch, góp phần cân bằng nước mặt và giảm ngập đô thị.
Lãnh đạo Sở Xây dựng đề nghị quận 12 xin cơ chế để giải phóng mặt bằng, cần xác định rõ cơ cấu sử dụng đất để mời gọi nhà đầu tư.
|
QUỐC HÙNG (theo SGGP)
Bình luận (0)