Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cần vực dậy thói quen đọc sách truyền thống

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những năm gần đây, khi bước ra đường, trên xe buýt, ở nhà ga, ghế đá công viên…, rất dễ để bắt gặp trẻ em, thanh niên, thậm chí là người già “dán” mắt vào màn hình điện thoại di động. Khác xa với trước đây, đi đâu cũng thấy người ta cầm quyển sách trên tay đọc ngấu nghiến đến độ quên thời gian, không gian. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với các quốc gia phát triển (dù công nghệ di động và internet ở họ đi trước chúng ta nhiều năm) khi mà tỉ lệ người dân đọc sách cao hơn chúng ta rất nhiều. Người Việt Nam ngày càng mất dần thói quen đọc sách.

Còn nhớ, tại buổi khai mạc Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 3 diễn ra vào tháng 4-2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, ở Việt Nam, trung bình 1 người dân đọc chỉ 4 cuốn/ năm, gồm: 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Trong khi các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm. Các nước trong khu vực như Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/ năm, Malaysia là 10 cuốn/ năm… Cũng cần nói thêm, theo  thống kê của We Are Social (công ty của Anh), tính đến tháng 1-2018, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet. Trung bình 1 ngày, người Việt Nam bỏ ra 6 giờ 53 phút để duyệt web nếu xài máy tính bàn và tablet, 2 giờ 33 phút nếu xài điện thoại di động và dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội. Theo trang The Next Web thống kê (2017), Việt Nam xếp thứ 7 trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới. Dù số liệu thống kê chỉ để chúng ta tham khảo, nhưng nó phản ánh một phần không nhỏ văn hóa đọc của người Việt hiện nay.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, thời công nghệ rồi mà bỏ thời gian ra đọc sách truyền thống thì thật lãng phí và bất tiện. Đồng ý rằng, thế giới đang thụ hưởng công nghệ internet phát triển vượt bậc và sự tiện lợi của nó thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa đọc sách truyền thống là vô bổ. Bất cứ thời nào thì việc đọc sách in vẫn phải được đề cao. Không phải ngẫu nhiên mà các nguyên thủ hay các doanh nhân luôn mang theo một quyển sách bên mình để khi rảnh rỗi là mang ra đọc. Tỷ phú Bill Gates “tiêu thụ” 1 cuốn sách mỗi tuần. Elon Musk trả lời rất đơn giản khi được hỏi ông đã học như thế nào để xây dựng đế chế của mình rằng: “Tôi đọc nhiều sách”. Khi hỏi về chìa khóa thành công, tỷ phú, nhà đầu tư Warren Buffett đã từng nói: “Đọc 500 trang sách mỗi ngày. Đó là cách hoạt động của tri thức”. Dù không phải ai đọc sách cũng là người giàu có, thành công, nhưng thực tế cho thấy, những ai thường xuyên đọc sách thường tư duy, linh hoạt hơn trong các giao tiếp, ứng xử và xử lý tình huống khéo léo. Ngoài ra đọc sách còn giúp chúng ta giàu vốn kiến thức xã hội, tỉ mẩn hơn trong công việc, điều tiết tâm lý.

Dẫn chứng cho sự quan trọng của văn hóa đọc truyền thống, ở Trường Phan Huy Chú (Hà Nội) có môn văn hóa đọc cho cả ba khối lớp, mỗi lớp có 1 tiết. Tiết này phủ kín toàn trường cả năm học (chỉ trừ lớp 12 không có tiết ở học kỳ 2, vì ôn thi). Một tổ chuyên môn được thành lập bao gồm các giáo viên dạy lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Từ tiết thư viện chỉ dành cho học sinh vào thư viện mượn sách đọc, Trường THPT Phan Huy Chú đã chính thức xếp thời khóa biểu cho môn văn hóa đọc. Việc thiết kế chương trình, giám sát thực hiện sẽ do các cô giáo được tập huấn tại Hàn Quốc phụ trách. Thêm một dẫn chứng nữa về tầm quan trọng của việc đọc sách. Vào ngày 15-3-2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.

Để vực dậy thú đọc sách ở người Việt thì điều đầu tiên cần làm là các bậc phụ huynh nên hạn chế cho con mình sử dụng các phương tiện công nghệ. Thay vào đó mua các loại sách có nội dung phổ thông cho con đọc. Từ từ đến các loại sách chuyên sâu, nghiên cứu. Nhà trường nên bổ sung nhiều đầu sách ở thư viện, đồng thời nhắc nhở các em mượn sách đọc thường xuyên. Cũng cần khuyến khích các bạn thu gom sách cũ mang tặng nhà trường (khi không còn dùng đến nữa) để bổ sung vào thư viện. Và hơn ai hết, phụ huynh cần làm gương và định hướng cho con trong việc đọc sách. Từ việc đọc sách, những thế hệ thanh thiếu niên sẽ biết tiết chế cảm xúc, xử trí tình huống khôn khéo, bước vào đời bằng những ứng xử nhẹ nhàng chứ không bằng bạo lực.

Nguyn Thanh Vũ

 

Bình luận (0)