Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Liên hệ bản thân nên thực tế, thiết thực

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi… Đó là lời liên hệ bản thân của một nữ sinh theo yêu cầu đề ra: “Hãy viết cảm nhận về nhân vật Nhĩ trong “Bến sông quê” và liên hệ bản thân khi học tác phẩm đó”. Hầu hết là những lời liên hệ theo công thức có sẵn, vô thưởng vô phạt; nào là “Em sẽ chăm ngoan, học giỏi”, là “Nay còn ngồi trên ghế nhà trường, em thấy phải phấn đấu…”…

Nhưng chấm đến bài của em thì tôi vô cùng ngạc nhiên… Ngoài lời văn khá trau chuốt, câu cú gọn gàng là nội dung khá cảm động. Em viết: “Còn em, ở trường em được thầy cô gọi là “trò giỏi”; ở nhà được cha mẹ gọi là “con ngoan” nhưng thiệt tình; cái chổi trong nhà để chỗ nào thì em cũng không biết! Em chưa từng biết quét nhà giúp mẹ; chưa biết rửa chén sau khi ăn cơm xong. Cha mẹ lầm lũi thế nào em cũng không rõ, chỉ biết mình được đi học; có quần áo mới, cặp sách mới…”.

Trong truyện “Bến quê”, em cảm động nhất là chi tiết khi người vợ bưng chén thuốc cho anh thì anh mới thấy những đường gân xanh nổi lên nơi bàn tay khô đét của người vợ. Điều đó trước đây anh thờ ơ, anh không biết, anh không thấy… Anh chợt hồi tỉnh, hối hận và cảm thấy thương hơn người vợ tảo tần quá nhọc nhằn, vất vả một nắng hai sương trên đồng, ngoài bãi nhưng vẫn lo cho anh đến nơi đến chốn…

Chuyện trong nhà, vất vả ra sao, buồn vui ra sao em đều ít quan tâm. Sống thờ ơ với người thân mà em vẫn được gọi là “con ngoan” là sao? Có phải “con ngoan” thì chỉ biết vâng lời; chỉ biết đi học rồi về ăn và ngủ? Còn việc chia sẻ, đỡ đần công việc nhà thì không ai chỉ bảo, hướng dẫn em làm? “Con ngoan, trò giỏi” làm gì khi em chỉ là con người thờ ơ, vô cảm với mọi người xung quanh? Em chỉ được mọi người phục vụ chứ mình chưa phục vụ được cho ai, dù đó là cha mẹ, ông bà. Biết đâu đôi bàn tay của mẹ em cũng “nổi những đường gân xanh”, cũng “khô gầy” như que củi nhưng em nào biết!”.

Câu chuyện đã tác động đến em, một tâm hồn trẻ còn thơ ngây, hồn nhiên như vậy. Tôi đọc bài này cho cả lớp nghe, cũng là một cách giáo dục nhẹ nhàng về ý thức, về sự quan tâm, chia sẻ với cha mẹ, ông bà, với mọi người xung quanh… Ngay cả nhân vật Nhĩ, bị bệnh nằm trên giường, không đi lại được; tất cả nhờ người vợ hiền chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Vậy mà đến một lúc nào đó, một khoảng sáng nào đó đã rọi soi cho anh thấy nỗi vất vả, chịu đựng của người vợ qua hình ảnh bàn tay khô gầy với những đường gân xanh ngang dọc…

Câu chuyện cảm động đã tác động đến nhận thức của những cô cậu học trò của tôi! Đó là niềm vui của người dạy văn, khơi gợi được những tâm tình, những mạch ngầm của những cảm xúc còn giấu kín… Có hạnh phúc nào hơn khi người thầy góp phần chuyển hóa, cảm hóa được học trò qua việc truyền thụ những tác phẩm văn học! Điều cốt yếu là chúng ta cần biết “bắt mạch” được những tâm tư, suy nghĩ của học sinh; sống hòa mình vào dòng chảy cuộc đời vốn sống động nhưng luôn lấp lánh những hạt vàng cảm xúc…

Lê Đc Đng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)