Các nhà khoa học cho rằng để phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), TP.HCM cần có cơ chế chính sách đặc thù để thu hút chuyên gia, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn…
Theo ông Phạm Bình An (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), chi đầu tư cho KHCN phải tương xứng mới có thể thu hút các nguồn lực
Đóng góp ý kiến cho Kế hoạch chiến lược phát triển KHCN&ĐMST của TP.HCM, nhiều chuyên gia chỉ rõ, cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính hiện còn nhiều bất cập, là cản trở lớn trong việc thực hiện phát triển KHCN&ĐMST. Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM) cho biết, theo dự thảo, Sở KH-CN TP.HCM sẽ thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp và rất cần sự chia sẻ, hiến kế của các chuyên gia, sở ngành, đơn vị có liên quan. Đây là cơ sở để sở tham mưu, đề xuất UBND TP xây dựng cơ chế phù hợp với đặc thù của thành phố.
Thu hút nhóm nghiên cứu mạnh
Ông Nguyễn Anh Quân (Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) chia sẻ, để thực hiện tốt nhất kế hoạch phát triển KHCN&ĐMST của thành phố, trước hết cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị KHCN. Theo ông Quân, việc quản lý tài chính, quản lý khoa học hiện nay chưa đảm bảo tính đặc thù của KHCN. Cụ thể, khi xây dựng kế hoạch tài chính là như vậy nhưng đến khi triển khai thì thay đổi nhiều, thậm chí thay đổi hoàn toàn không có khả năng điều chỉnh. Đây là cản trở lớn trong hiệu quả nghiên cứu khoa học. Thêm nữa, có kết quả nghiên cứu nhưng ứng dụng thực tế cũng không dễ bởi tài sản hình thành từ KHCN là tài sản công, được quản lý như đất đai, nhà cửa… Theo quy định, sản phẩm nghiên cứu đó phải được định giá bao nhiêu, được giao quyền sở hữu tài sản cho đơn vị thì mới có thể sử dụng. “Hiện Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM có một số sản phẩm nghiên cứu sẵn sàng thương mại, có doanh nghiệp muốn chuyển giao nhưng không thể thực hiện được vì chưa định giá, chưa giao quyền, nếu làm là sai. Do đó, để phát triển KHCN&ĐMST thì phải có hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp. Thành phố nên có chính sách đặt hàng rõ ràng, cụ thể. Theo đó, TP.HCM cần có một tổ chức hoặc hội đồng tham mưu để xác định sản phẩm chủ lực mà thành phố muốn phát triển trong 5 năm, 10 năm tới. Sau đó chọn, giao cho đơn vị có năng lực để làm sản phẩm. Lúc đó triển khai nghiên cứu không bị chồng chéo và tập trung nguồn lực thực hiện”, ông Quân đề xuất.
Mục tiêu phát triển KHCN&ĐMST của TP.HCM đến năm 2025 Đó là nâng cao đóng góp của KHCN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường ĐH, tổ chức KHCN; hoạt động ĐMST, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 45% trở lên. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Đưa hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST của thành phố thuộc nhóm 5 hệ sinh thái dẫn đầu cả nước. Đảm bảo chi cho KHCN đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách của thành phố. Chi đầu tư cho KHCN của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP trở lên. Hỗ trợ ít nhất 2 tổ chức KHCN tiếp cận trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế. Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KHCN và số doanh nghiệp ĐMST tăng từ 8-10% hàng năm; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 35% trong tổng số doanh nghiệp. Số lượng bài báo khoa học được công bố quốc tế tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước. Số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích và văn bằng bảo hộ sáng chế/GPHI tăng trung bình 16-18%/năm. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm. Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ từ kết quả nghiên cứu KHCN của thành phố.
|
Cùng quan điểm với ông Quân, ông Phạm Bình An (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng TP.HCM là trung tâm KHCN lớn của cả nước nên xây dựng kế hoạch phát triển phải có định hướng rõ ràng, dài hơi theo từng giai đoạn. Nghiên cứu khoa học có tính rủi ro, vì thế chính sách cho nghiên cứu cũng phải có tính đặc thù, đột phá về cơ chế tài chính, chính sách. Trong đó, chi đầu tư cho phát triển KHCN phải tương xứng mới có thể thu hút các nguồn lực, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu mạnh trong và ngoài nước, đây là động lực để phát triển kinh tế.
Nhà khoa học và doanh nghiệp phải cùng chuyến bay
PGS.TS Huỳnh Thanh Công (ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định, với đội ngũ trên 6.000 nhà khoa học, chuyên gia thì ĐH Quốc gia TP.HCM có thể triển khai các nhiệm vụ KHCN&ĐMST, tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thu hút nguồn lực này không thể thiếu những cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, đặc biệt là liên quan đến rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ KHCN. “Nhà khoa học không đi cùng chuyến xe với doanh nghiệp mà phải đi cùng chuyến bay. Nếu đi cùng chuyến xe có thể họ sẽ phải xuống dọc đường. Nghĩa là nhà khoa học phải đồng thiết kế với doanh nghiệp trong suốt chuyến bay từ điểm đầu đến điểm cuối, trao đổi, thảo luận để có một sản phẩm tốt nhất. Theo xu hướng chung, công nghệ mới không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyên gia, nhà khoa học và đầu tư công nghệ”, ông Công nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển KHCN&ĐMST là Sở KH-CN TP.HCM dự kiến đề xuất cơ chế thí điểm sàn giao dịch dự án khởi nghiệp; mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho các đơn vị thực hiện công tác phát triển, nghiên cứu KHCN. Đồng thời phát triển các sản phẩm mới dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, từ đó hình thành các dự án, chương trình KHCN trong một ngành trọng điểm. Đây là những ngành có tiềm năng, có thế mạnh của thành phố. Để tháo gỡ những khó khăn mà các đơn vị KHCN đang gặp phải, ông Minh cam kết sẽ nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách về hoạt động KHCN&ĐMST. Cụ thể là các giải pháp: Tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN; xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo TP.HCM; phát triển các tổ chức KHCN thành chủ thể nghiên cứu mạnh; phát triển nguồn nhân lực KHCN&ĐMST; phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KHCN&ĐMST; thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST trong doanh nghiệp; hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST; truyền thông về hoạt động KHCN&ĐMST.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)