TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang thiếu điều dưỡng trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số trường nghề, con số tuyển sinh ngành điều dưỡng lại giảm theo từng năm.
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 và con em nhân viên y tế trong bệnh viện tham dự lễ khai giảng lớp điều dưỡng chính quy
Tỷ lệ điều dưỡng trung bình của Việt Nam hiện là 11,4/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2030, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu từ 40.000-50.000 điều dưỡng. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện có hơn 143 trường ĐH-CĐ-TC đào tạo ngành điều dưỡng, tuy nhiên để thiếu điều dưỡng là điều đáng buồn. Vì thế cần có những thay đổi chính sách để thu hút người học điều dưỡng, nâng cao tỷ lệ này theo khuyến cáo của WHO.
Cầu nhiều, cung ít
Ký hợp đồng đào tạo điều dưỡng cho đơn vị đối tác của Nhật Bản từ năm 2019, nhưng đến nay một trường CĐ tại TP.HCM vẫn chưa thực hiện được do tuyển sinh không như mong muốn. Hiệu trưởng trường CĐ này cho biết, chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc hợp đồng nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 30%. “Khi tuyển sinh, trường công khai thông tin cam kết từ đối tác. Cụ thể, sau khi hoàn thành chương trình học sẽ đào tạo tiếng (Nhật) và đưa sang Nhật Bản làm việc tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão với mức lương cao, chế độ phúc lợi tốt và được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ. Cơ hội việc làm ngành điều dưỡng lớn không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài nhưng tuyển sinh ngày càng khó”, hiệu trưởng trường CĐ này nói.
ThS. Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) cho biết theo WHO, đến năm 2030, Việt Nam thiếu khoảng 40.000-50.000 điều dưỡng. Ông Lý cho hay, hiện trường có nhiều tổ chức quốc tế đặt hàng đào tạo điều dưỡng để đưa sang các nước Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Đức làm việc. Riêng Úc, để thu hút lao động đã đưa ra mức lương hấp dẫn với khoảng 120 triệu đồng/tháng, làm việc 40 giờ/tuần. Ngoài ra, lao động có thể được nhập quốc tịch sau 3 năm làm việc nhưng không đủ nguồn cung ứng. Thực tế các trường CĐ-ĐH tuyển sinh ngành điều dưỡng ngày càng giảm nên khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. “Có thể do đặc thù công việc chịu nhiều áp lực, vất vả nhưng thu nhập thấp, chính sách đãi ngộ chưa xứng đáng. Tuy nhiên, với sự thiếu hụt nhân lực y tế như hiện nay, thời gian tới Nhà nước sẽ có điều chỉnh về lương, đãi ngộ để thu hút người học”, ông Lý tin tưởng.
Đại diện nhiều trường có đào tạo ngành điều dưỡng cho rằng việc tuyển sinh điều dưỡng rất khó khăn, bên cạnh tâm lý người học bị dao động trước làn sóng điều dưỡng nghỉ việc còn có nguyên nhân khác là do học phí cao. Theo đó, học phí ngành điều dưỡng trung bình ở trường nghề hiện khoảng 35 triệu đồng đến 45 triệu đồng/năm, trong khi đó ra trường lương thấp, công việc vất vả nên ít người theo học là chuyện dễ hiểu. ThS. Nguyễn Thị Cẩm Lệ (Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) khẳng định, điều dưỡng và hộ sinh là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Những dịch vụ của điều dưỡng cung cấp cho người dân vừa mang tính phổ biến vừa mang tính thiết yếu. “Chọn học ngành điều dưỡng là lựa chọn thực tế bởi được đảm bảo đầu ra. Điều dưỡng có 3 vai trò chính, đó là chăm sóc, hướng dẫn người bệnh và hỗ trợ điều trị. Trong quá trình học, người học được đào tạo kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp để thực hiện chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, thái độ tích cực của người học là rất quan trọng để thực hiện chức năng hướng dẫn, chăm sóc, nhận định nhằm phát hiện những gì bất thường, từ đó có biện pháp can thiệp và chăm sóc người bệnh”, bà Lệ chia sẻ.
Đặt hàng đào tạo điều dưỡng
GS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, chuyện thiếu điều dưỡng là tình hình chung của các bệnh viện, nhất là bệnh viện công. Để đảm bảo chăm sóc, hỗ trợ điều trị bệnh nhân, ngoài tuyển dụng thêm, bệnh viện còn điều động dược sĩ, bộ phận quản trị, nhân viên công tác xã hội phụ vai trò điều dưỡng. Họ sẽ làm công việc tiếp nhận bệnh nhân, làm sổ sách hành chính, báo cáo… Những vị trí nào có thể thay thế được thì thay thế, giải phóng lực lượng điều dưỡng để phục vụ chăm sóc bệnh nhân, làm trực tiếp công tác chuyên môn. Cũng theo ông Hùng, mới đây Sở Y tế TP.HCM giao cho Bệnh viện Nhi đồng 1 thêm 100 chỉ tiêu giường bệnh, nghĩa là từ năm 2022, bệnh viện có biên chế 1.500 giường. Hiện bệnh viện có 1.700 nhân viên thì chưa đủ để phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng. “Để đào tạo đội ngũ điều dưỡng kế thừa, bệnh viện tuyển con em của nhân viên có lòng yêu nghề, mong muốn trở thành điều dưỡng nhi thì đăng ký để bệnh viện đặt hàng đào tạo hệ CĐ điều dưỡng chính quy. Bệnh viện sẽ hỗ trợ chi phí học tập và người học cam kết làm việc cho bệnh viện lâu dài. Ra trường, người học được tiếp nhận về các khoa lâm sàng và không phải học gì nữa, nếu có chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu”, ông Hùng cho biết.
Sinh viên ngành điều dưỡng trong giờ thực hành
Theo Sở Y tế TP.HCM, để công tác chăm sóc người bệnh tốt nhất phải có 3 điều dưỡng, hộ sinh/1 bác sĩ. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện chỉ có 1,86 ở bệnh viện công và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ này dưới 2. Thiếu điều dưỡng là vậy nhưng các cơ sở y tế không có nguồn tuyển để thay thế cho số nghỉ việc cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển. Thêm nữa, các bệnh viện lại đang gặp khó khăn trong việc nâng chuẩn điều dưỡng trình độ TC lên CĐ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Cụ thể, theo thông tư này, từ ngày 1-1-2021, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng phải tốt nghiệp trình độ CĐ chuyên ngành điều dưỡng. Viên chức trình độ TC tuyển dụng và bổ nhiệm trước đó phải chuẩn hóa để đạt trình độ CĐ (chậm nhất trước ngày 1-1-2025) đúng chuyên ngành tuyển dụng. Trước thực trạng thiếu điều dưỡng, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP có đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng TC đến ngày 1-1-2026 và kéo dài thời gian chuẩn hóa lực lượng này đến năm 2030.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng đây là cơ hội cho các trường nghề có đào tạo ngành điều dưỡng trình độ TC. Trong thời gian này, bên cạnh đào tạo ngành điều dưỡng TC, các trường cần rà soát, đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo trình độ CĐ đáp ứng đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)