Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100 ngàn lượt thi tại 8 tỉnh/thành trên cả nước.
Nhiều trường ĐH dùng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Ảnh: Thí sinh nhập học vào Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2022
Đây là kỳ thi duy nhất tại Việt Nam thực hiện đăng ký, làm bài và tra cứu điểm thi trên máy tính. Và đây cũng là kỳ thi đầu tiên thí sinh được chủ động lựa chọn địa điểm thi, ca thi.
Hơn 60 trường xét kết quả thi
ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tổng kết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 và kế hoạch triển khai năm 2023. Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội), từ năm 2005, ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực của riêng mình. Điểm mới của bộ đề thi năm 2022 là chỉ tập trung một đầu điểm gồm có môn văn, toán và khoa học; bắt buộc thí sinh phải có tư duy và kiến thức tổng hợp thì mới đạt được điểm cao. Năm 2022, kỳ thi được tổ chức thành 12 đợt tại 15 địa điểm thuộc 8 tỉnh/thành trên cả nước, diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến, được lựa chọn ca thi, ngày thi phù hợp; được đăng ký dự thi nhiều đợt; thời gian cách nhau giữa 2 đợt thi liên tiếp tối thiểu 28 ngày. Cụ thể, năm 2022, có 62.633 lượt thí sinh dự thi, trong đó có 29 thí sinh bị kỷ luật; 7.865 máy tính đã được sử dụng phục vụ cho kỳ thi… Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, qua phân tích đánh giá toàn bộ 12 đợt thi cho thấy đề thi có độ tin cậy cao, kết quả thi có sự phân hóa rõ rệt. Điểm bài thi dao động từ 24-135 (thang điểm 150). Kỳ thi tập trung vào các yếu tố chính như: Đề thi, tổ chức thi nhằm thu hút được nhân tài cho các trường ĐH ngay từ khâu xét tuyển đầu vào, đặc biệt nhóm ngành có điểm chuẩn cao, có tính cạnh tranh cao.
Điểm khác biệt của kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội là thí sinh thi trên máy tính
Theo thống kê, đến thời điểm này có 60 ĐH, trường ĐH bao gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (12 đơn vị), ĐH Thái Nguyên (10 đơn vị) và 38 trường ĐH khác sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực này để xét tuyển. Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã cấp tài khoản hỗ trợ cán bộ tuyển sinh của các đơn vị tra cứu kết quả thi đánh giá năng lực phục vụ hoạt động tuyển sinh, hậu kiểm.
Dự kiến 100 ngàn lượt thi năng lực năm 2023
Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết năm 2023, đơn vị tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100 ngàn lượt thi tại 8 tỉnh/thành trên cả nước. Theo đó, 8 tỉnh/thành này bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên. Thí sinh được đăng ký trực tuyến từ tháng 2-2023. Điểm mới đang được dự kiến của kỳ thi năm 2023 là thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm và thời gian đăng ký dự thi giữa hai đợt cách nhau tối thiểu 4-6 tuần, tùy theo nguyện vọng của thí sinh. Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị đào tạo sử dụng kết quả thi này để xét tuyển ĐH trong thời gian tới. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hướng đến mục tiêu đánh giá kết quả học tập bậc THPT phục vụ các mục đích: Đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng năng lực cá nhân; kiểm tra kiến thức tự nhiên – xã hội, tư duy của người học, kỹ năng, thái độ của người học; tuyển sinh ĐH, đào tạo nghề phù hợp…
Được biết, hiện nay ngoài kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức ở một số trường ĐH với vai trò là một phương thức tuyển sinh riêng thì kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội được xem là hai kỳ thi có quy mô lớn nhất; kết quả thi này được dùng chung làm phương thức tuyển sinh của hàng chục trường ĐH. Tuy nhiên, điểm khác biệt là kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hoàn toàn trên máy tính và diễn ra nhiều đợt trong năm; còn kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ diễn ra 2 đợt trong năm tại đồng loạt nhiều tỉnh/thành và thí sinh làm bài thi trên giấy.
Việt Ngân
Bình luận (0)