Trong bài phát biểu ngày 21.2, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nêu lập trường về vấn đề xung đột Ukraina. Trong khi ông Putin nêu lại lý do Nga phát động chiến dịch ở Ukraina và khẳng định nước Nga trụ vững trước trừng phạt thì ông Biden tái khẳng định cam kết về sự ủng hộ của phương Tây với Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Thuỵ Điển năm 2021.
Phương Tây khẳng định sự ủng hộ với Ukraina
Ngày 21.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết về một Ukraina "tự do, có chủ quyền và dân chủ" trong bài phát biểu tại Warsaw. Ông Biden tin tưởng, "tình yêu của người dân Ukraina với đất nước của họ sẽ thắng thế”.
Theo Tổng thống Mỹ, "những ngày khó khăn và ác liệt ở phía trước" và "những quyết định mà chúng ta đưa ra trong vòng 5 năm tới hoặc lâu hơn sẽ quyết định và định hình cuộc sống của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới".
Mỹ cam kết viện trợ khoảng 113 tỉ USD cho Ukraina kể từ năm ngoái, trong khi các đồng minh Châu Âu cam kết thêm hàng chục tỉ USD khác và tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraina trốn chạy khỏi xung đột. Ông Biden, trong bài phát biểu ở Ba Lan, tiết lộ Mỹ và các đồng minh sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt với Nga trong tuần này.
Nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden cũng đáp lại bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó trong ngày. Ông Biden khẳng định: “Phương Tây không có âm mưu tấn công Nga như ông Putin nói hôm nay. Hàng triệu công dân Nga chỉ muốn chung sống hòa bình với các nước láng giềng không phải là kẻ thù”.
Chuyến thăm chính thức Ba Lan ngày 21-22.2 là lần thứ hai ông Biden thăm nước này trong vòng 12 tháng qua. Ngày 22.2, nhà lãnh đạo Mỹ gặp gỡ lãnh đạo của 9 quốc gia sườn phía đông của NATO tại Warsaw.
Đánh bại Nga là điều không thể
Trước đó cùng ngày 21.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc các nước phương Tây châm ngòi và duy trì chiến sự ở Ukraina. Trong thông điệp liên bang, ông Putin nhấn mạnh Nga đang là bên đấu tranh cho sự tồn tại của nước này. "Chúng tôi không chiến đấu với người dân Ukraina" – ông Putin nói, 3 ngày trước khi tròn 1 năm ông phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina ngày 24.2.2022.
Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc, Kiev đã trao đổi với phương Tây về việc cung cấp vũ khí ngay cả trước khi bắt đầu xung đột. Ông Putin nói thêm: “Càng nhiều hệ thống tầm xa của phương Tây được chuyển đến Ukraina, chúng tôi càng buộc phải di chuyển mối đe dọa ra xa hơn khỏi biên giới của mình".
Ông Putin cũng cho rằng, phương Tây phát động "các cuộc tấn công thông tin mạnh mẽ" và nhằm vào văn hóa, tôn giáo và các giá trị của Nga vì nhận thức được rằng "đánh bại Nga trên chiến trường là điều không thể".
Ông cũng nhận định, các nước phương Tây đang tiến hành cuộc tấn công vào nền kinh tế Nga thông qua các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga tin tưởng, những biện pháp trừng phạt này "đã không đạt được bất kỳ điều gì và sẽ không đạt được bất cứ điều gì".
Trong thông điệp liên bang, ông Putin cho rằng, phương Tây đã thất bại trong việc phá hủy nền kinh tế Nga bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử hiện đại. “Họ muốn gây đau khổ cho người dân nhưng tính toán của họ đã không thành hiện thực. Nền kinh tế và sự quản lý của Nga mạnh hơn nhiều so với họ nghĩ" – ông nói.
Nền kinh tế Nga trị giá 2,1 nghìn tỉ USD được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng 0,3% trong năm nay – kết quả tốt hơn nhiều so với dự báo khi chiến sự bắt đầu. Ông Putin cho biết, Nga đang hướng tới các cường quốc Châu Á và sẽ mở rộng quan hệ cũng như xây dựng hợp tác kinh tế với các nước như: Ấn Độ, Iran và Pakistan.
Cuối bài phát biểu, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước New START được ký với Mỹ năm 2010 và được gia hạn vào những ngày đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden năm 2021. Hiệp ước này nhằm hạn chế kho vũ khí chiến lược của Nga và Mỹ – hai nước chiếm khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)