Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phá vỡ bức tường lớp học: Cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu chỉ gói gọn chương trình học trong sách giáo khoa, phải chăng thế hệ trẻ em Việt Nam sẽ trở nên lạc hậu trong chính cuộc sống của chúng?

Một bộ sách giáo khoa được đúc kết từ thực tế đã được sử dụng trong mấy chục năm qua sẽ khó theo kịp cuộc sống vận động không ngừng. Trẻ em hôm nay cần học nhiều hơn về thế giới, thoát ra khỏi khuôn khổ trường học truyền thống, đó chính là định hướng của giáo dục tương lai. 

Pha vo buc tuong lop hoc: Cach nao?
Giáo dục “trơ ỳ” có thể biến trẻ em thành thế hệ Disney

Khi trường học là thế giới

Vấn đề trên đã được khá nhiều chuyên gia giáo dục đề cập tại sự kiện Seed & Spark Summit diễn ra trong hai ngày 11 và 12/10 tại TP.HCM. Theo bà Sarah Elizabeth Ippel, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Học viện Công dân toàn cầu (AGC – Mỹ) – ngôi trường với 90% các em đến từ gia đình dân tộc thiểu số, phần lớn sống dưới mức nghèo đói của thế giới, thì triết lý giáo dục của trường tương đồng với quan điểm của Benjamin Franklin: “Nói tôi nghe tôi sẽ quên, dạy cho tôi thì tôi nhớ, cho tôi tham gia tôi sẽ học”.

Chương trình học của trường chủ yếu là từ các dự án thực tế chứ không phải là các bài giảng trong sách giáo khoa. Bà Sarah cho biết: “Chúng tôi dạy các em những bài học thông qua các câu hỏi và các vấn đề thực tế thế giới hiện nay”.

Chẳng hạn như các em được học về tác động của biến đổi khí hậu của thế giới qua dự án Mái nhà xanh, bằng cách trồng cây trên sân thượng của các tòa nhà cao tầng của Chicago. Trường cũng quan tâm và lưu ý những gì xảy ra trong cuộc sống của các em học sinh của mình cũng như khắp nơi trên thế giới như cuộc diễu hành phản đối nạn bạo lực, phản đối súng đạn tại thành phố Chicago. Đây là cách kết nối các em với cộng đồng địa phương để các em có thể hiểu được rằng, các em có thể hành động ngay bây giờ, tìm cách đối mặt với các thách thức ngay tại thành phố của mình.

“Thế hệ Disney tồn tại phổ biến trong xã hội hiện đại. Với cuộc sống tiện nghi, trẻ thường bị tăng động, giảm chú ý, hoặc lúc nào cũng mơ màng như đang ở một thế giới khác, với những đôi mắt trống rỗng vô cảm hoặc ăm ắp những nỗi sợ chẳng biết tỏ cùng ai, rất đáng thương”
Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương – nhà nghiên cứu giáo dục, sáng lập hệ thống trường kỹ năng Tomato Children’s Home – cho rằng, sẽ rất tội nghiệp khi bắt đứa trẻ học những điều đã lạc hậu. Bởi vì, mọi kiến thức, thông tin ngày nay đã luôn có sẵn trên internet.

Thay vì nhồi nhét và bắt các em phải học thuộc lòng quá nhiều, tốt hơn hết hãy dạy các em biết cách ứng dụng kiến thức đó để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ những bài rao giảng về bảo vệ môi trường hiện nay quá khô khan, cứng nhắc, đa số chỉ là những lời hô hào xa rời thực tế. Thay vào đó, hãy cho trẻ nhìn thấy đống rác khổng lồ, thấy vết dầu loang, thấy dịch bệnh do ô nhiễm, thấy sa mạc, thấy sinh vật biển chết… thì tự đứa trẻ sẽ tìm cách bảo vệ môi trường. 

Theo những nghiên cứu giáo dục trên thế giới, ý thức tự thân cũng như sức sáng tạo của trẻ rất lớn. Chính các chương trình giáo dục mang tính áp đặt và thiếu hấp dẫn sẽ biến các em thành “thế hệ Disney” – đó là những đứa trẻ mất sự năng động, tìm hiểu thế giới mà chỉ có xu hướng chờ đợi những gì giải trí diễn ra trước mắt. “Thế hệ Disney tồn tại phổ biến trong xã hội hiện đại với cuộc sống tiện nghi, trẻ thường bị tăng động, giảm chú ý, hoặc lúc nào cũng mơ màng như đang ở một thế giới khác, với những đôi mắt trống rỗng vô cảm hoặc ăm ắp những nỗi sợ chẳng biết tỏ cùng ai, rất đáng thương”, Uyên Phương nói. 

Nhìn lại cách dạy của chúng ta

Nhìn lại chương trình giáo dục nặng nề của Việt Nam, từ tiểu học cho đến đại học, có rất nhiều kiến thức học xong… không biết để làm gì. Nhà giáo dục Alfred North Whitehead gọi đó là những ý tưởng trơ ỳ, là ý tưởng chỉ đơn thuần được nhồi nhét vào tâm trí và không được sử dụng, không được kiểm định và không được kết hợp lại một cách mới mẻ (theo sách Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác).

Thật đáng buồn là phần lớn giáo viên đang cho mình trách nhiệm và quyền lực bắt học sinh đi vào khuôn khổ kỷ luật, mang hàng đống sách giáo khoa và không ngừng nhồi nhét vào đầu trẻ bao nhiêu kiến thức trơ ỳ như thế. Theo Whitehead, “giáo dục bằng những ý tưởng trơ ỳ không chỉ vô ích mà còn có hại”. Bởi vì, nó sẽ gây ra hiệu ứng chán học và học chỉ để có bằng cấp. Nhưng ở thời hiện đại, khi tri thức mới ra đời với tốc độ chóng mặt, thì cám dỗ nhồi nhét lại càng khó cưỡng, dù ai cũng thấy hiệu quả là vô vọng.

Chúng ta đã nói rất nhiều về cải cách sách giáo khoa, tuy nhiên, phương pháp dạy học vẫn đến từ giáo viên và người làm giáo dục. Tiến sĩ Veronica Boix Mansilla, Viện trưởng Project Zero, Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, nhiều năm trước, khi dạy tiếng Anh giao tiếp cho trẻ em từ 8-10 tuổi, bà đã tự xây dựng chương trình dạy sao cho thông qua bài học, các em khám phá về khu rừng Amazon và những cống hiến của khu rừng này như một lá phổi xanh của thế giới. Các em biết về truyền thống văn hóa Phi và Mỹ La tinh, cách bảo tồn những tài nguyên thủy hải sản…

Bà nói: “Giáo viên tiếng Anh nào cũng sẽ dạy học trò cách chia động từ “to be”, nhưng quan trọng hơn là dạy các em về “being” – sự tồn tại của mình: chúng ta là ai, chúng ta phát triển như thế nào, nơi sống của chúng ta, tôn giáo, văn hóa, cách tương tác trong cộng đồng… Và giúp cho các em phát triển năng lực toàn cầu – đó là sự hiếu kỳ về thế giới. Đồng thời, giữ vững những quan điểm riêng, góc nhìn riêng, về người khác, để hiểu được tác động của chúng ta lên cộng đồng”. 

Một phần quan trọng khác của năng lực toàn cầu chính là khả năng giao tiếp. Đó không chỉ đơn thuần là trò chuyện, trao đổi mà là kỹ năng giải thích vấn đề một cách bài bản, ngắn gọn, dễ hiểu và thuyết phục. Đây là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong giao tiếp giữa những người khác biệt về văn hóa.

Ở một góc nhìn khác, quan điểm giáo dục là hành trang cho cuộc sống có vẻ không hoàn toàn đúng. Nhà khai sáng người Mỹ John Dewey nói rằng: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà chính nó là cuộc sống”. Rõ ràng, giáo dục và cuộc sống không nên có khoảng cách vì nếu giáo dục xa rời thực tế, thì học sinh, sinh viên học xong chỉ có tấm bằng, chứ không thể giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Nếu việc học chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa và các chương trình đã xây dựng cách đây hàng thập niên, thì chắc chắn những gì học được cũng đã cũ kỹ, không còn phù hợp nữa. 

Không dạy quá nhiều môn nhưng phải dạy thấu đáo

Một lời khuyên đáng suy ngẫm của các chuyên gia là hãy để trẻ em được học trong chính thế giới các em đang sống. Tại sao chúng ta “giam” các em trong bốn bức tường lớp học để dạy cho các em về thế giới mà không để các em tự học trong chính thế giới muôn màu muôn vẻ và luôn vận động? Nơi các em có thể học không chỉ là trường học mà học ở công viên, viện bảo tàng, nhà thờ, ngoài chợ, ngoài đường… với rất nhiều chất liệu phong phú và sống động. 

Điều các em cần được dạy là cách tư duy, đưa ra sáng kiến, giải pháp cùng cách hoàn thiện bản thân mỗi ngày, trong đó không quên lòng trắc ẩn và sự vị tha. Whitehead chủ trương “không dạy quá nhiều môn học mà dạy cái gì phải dạy cho thấu đáo”, nhất là bậc phổ thông. Chương trình học cần chọn lọc những nội dung quan trọng, để người học dù là trẻ nhỏ cũng có thể biến tri thức đó thành của mình, biết áp dụng tri thức được học vào thực tế cuộc sống. Điều đó làm cho tri thức trở nên hữu dụng, sự học cũng thú vị và người học cảm nghiệm được niềm vui của sự khám phá thế giới.

Xuân Lộc/Phunuonline

Bình luận (0)