Hội nhậpThế giới 24h

Cuộc chiến khí đốt ở Châu Âu chưa có hồi kết

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những hệ luỵ trực tiếp của cuộc chiến ở Ukraina giữa Nga và Ukraina là việc Nga không còn cung ứng khí đốt đủ mức nữa như đã thoả thuận với các nước thành viên EU và như đã cung ứng cho các nước này từ trước đến nay. 
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) kiểm tra tuabin Nord Stream 1 ở nhà máy của Siemens tại Đức.
Khí đốt của Nga đã trở thành đối tượng bất hoà mới giữa Nga và EU cũng như vũ khí mới của Nga trong cuộc đối địch với EU. Cuộc chiến khí đốt hiện tại giữa Nga và EU sẽ còn có nhiều diễn biến bất ngờ mới trong bối cảnh chiều hướng diễn biến tình hình chung là chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina sẽ còn quyết liệt dai dẳng và hồi kết vẫn còn rất xa vời, mối quan hệ giữa EU và Nga còn tiếp tục căng thẳng và mùa đông càng đến gần thì EU càng thêm khó khăn và khó xử. 
Thông qua tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1, mức độ cung ứng khí đốt của Nga cho các nước thành viên EU hiện tại chỉ còn bằng 20% so với mức độ bình thường trước đây. 
Tuyến đường ống Nord Stream 2 chạy song song vẫn chưa được phía EU cho phép đi vào sử dụng trong khuôn khổ những biện pháp chính sách của EU trừng phạt Nga sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraina. 
Tuyến đường ống dẫn khí đốt trên đất liền từ Nga, quá cảnh qua Ukraina, Belarus sang Czech vẫn hoạt động bình thường, nhưng chỉ cung ứng khí đốt qua tuyến này không thôi chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về khí đốt của EU. 
EU đã đưa ra chiến lược dài hạn và ngắn hạn, kế hoạch tổng thể và chương trình cụ thể nhằm dần giảm bớt và rồi tiến tới chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc vào cung ứng năng lượng của Nga – bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá. Cho dù EU tỏ ra rất quyết tâm, sẵn sàng chấp nhận trả mọi giá thì EU vẫn cần không ít thời gian để thực hiện những dự định nói trên. Thách thức lớn nhất đối với EU trên phương diện này là những khó khăn và khó xử hiện tại. Theo logic tư duy thông thường mà nói thì làm gì có chuyện Nga bị EU đối địch quyết liệt như thế lại vẫn sẵn sàng giúp EU khắc phục khó khăn và khó xử để rảnh tay tiếp tục và gia tăng mức độ đối địch Nga. Gốc rễ của cuộc chiến khí đốt hiện tại giữa Nga và EU chính là đấy.
Trên danh nghĩa chính thức, không bên nào đưa ra lời tuyên chiến. EU thì không thể và cáo buộc Nga phát động cuộc chiến này. Nga cũng không vì không nói ra sẽ dễ bề ứng biến hơn trên dư luận. Cả hai phía đều nhằm vào chiếc tuabin của tuyến Nord Stream 1 do hãng Siemens của Đức sản xuất và được bảo hành tại công xưởng của hãng này ở Canada. Có tất cả 6 tuabin như vậy trong tuyến nhưng hiện tại chỉ còn có 2 đang hoạt động nên Nga giảm mức độ cung ứng khí đốt qua tuyến đường ống dẫn khí đốt này xuống còn bằng 40% công suất thông thường. 
Lúc đầu, Canada không cho trả lại Nga chiếc máy nói trên với lý do trừng phạt Nga. Nga viện dẫn chuyện này và biến khúc mắc giữa Nga với EU về cung ứng khí đốt thành vấn đề giữa EU và Canada. Rồi Canada đáp ứng yêu cầu của Đức chuyển chiếc máy này về Đức và phía EU có được lập luận vô hiệu hoá mọi biện luận của Nga. 
Đích thân Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải sử dụng hình ảnh đứng trước chiếc máy này ở Đức để chứng minh với cả thế giới rằng Nga chính trị hoá và công cụ hoá chuyện cung ứng khí đốt chứ không phải có lý do kỹ thuật ở đây. Qua đó có thể thấy EU hiện khó khăn và bế tắc như thế nào trong cuộc chiến khí đốt này với Nga. 
Tuy nhiên, phía Nga lại đưa ra 2 điều kiện để nhận lại tuabin này là EU phải loại bỏ nó ra khỏi danh sách thiết bị kỹ thuật bị trừng phạt và phải làm đủ mọi thủ tục hải quan để chuyển Nga. Đấy là cách Nga dùng tạo tiền lệ để làm rạn vỡ dần những biện pháp chính sách của EU trừng phạt Nga, gây ra và kéo dài tình trạng bất đồng quan điểm trong nội bộ EU về Nga, gia tăng áp lực đối với EU về đảm bảo cung ứng năng lượng cho mùa đông tới, dùng chính tâm lý lo ngại của dân chúng trong EU để gây sức ép và tạo bất bình đối với giới lãnh đạo EU và các nước thành viên.
Cuộc chiến này khiến Nga giảm thu nhập từ cung ứng khí đốt cho EU, thúc đẩy lộ trình EU chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga về lâu dài, nhưng hiện tại và trong thời gian tới gây khó khăn và phức tạp rất lớn cho EU về nhiều phương diện.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)