Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Top 10 đơn vị nghiên cứu Việt Nam theo Nature Index: Thực lực đến đâu ?

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy Việt Nam đạt vị trí 46 toàn cầu và thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong Nature Index 2022 nhưng phân tích dữ liệu cho thấy rất ít đơn vị nghiên cứu của Việt Nam có thực lực mạnh.

Nội lực nghiên cứu qua các công trình được công bố

Dẫu là một bảng xếp hạng cung cấp nhiều thông tin giá trị như chỉ số đóng góp để xếp hạng, Nature Index coi tất cả tác giả trong một bài báo đều có đóng góp bằng nhau. Ví dụ, với 1 bài báo có 10 tác giả, theo cách đánh giá của Nature Index, người đứng ở vị trí thứ 6 cũng được xem là có đóng góp tương đương tác giả đầu (first author) và tác giả liên hệ (corresponding author).

Điều này rõ ràng không phù hợp với thực tế và văn hóa đứng tên trong các bài báo thuộc 4 lĩnh vực được Nature Index xếp hạng. Trong các lĩnh vực này, tác giả đầu và tác giả liên hệ thường là những người giữ vai trò quan trọng nhất và đóng góp nhiều nhất cho công trình. Do đó, để đánh giá nội lực của một đơn vị nghiên cứu, người ta thường căn cứ vào việc cán bộ cơ hữu của đơn vị đó có phải là tác giả đầu và/hoặc tác giả liên hệ của công trình hay không.

Để phân tích nội lực nghiên cứu của các trường, viện, chúng tôi thống kê tất cả bài báo có tác giả ghi địa chỉ 10 đơn vị nghiên cứu dẫn đầu Việt Nam rồi xác định địa chỉ làm việc mà các tác giả đầu, tác giả liên hệ ghi trong bài báo. Tiếp theo là xác minh nơi làm việc thực sự của các tác giả này thông qua nguồn tài nguyên số của các đơn vị nghiên cứu được công bố công khai.

Top 10 đơn vị nghiên cứu Việt Nam theo Nature Index: Thực lực đến đâu ?

Thống kê số bài báo nội lực do cán bộ cơ hữu của các đơn vị thuộc nhóm 10 cơ sở nghiên cứu dẫn đầu Việt Nam đứng tên tác giả đầu hoặc tác giả liên hệ

Một số đơn vị ít mà “chất”

Trong số 72 bài báo của 10 đơn vị dẫn đầu nghiên cứu chất lượng cao tại Việt Nam (theo Nature Index 2022), chỉ có 26 bài thể hiện được nội lực nghiên cứu của các đơn vị này. Cụ thể, Trường ĐH Phenikaa dẫn đầu với 12 bài, theo sau lần lượt là ĐH Quốc gia TP.HCM 4 bài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Học viện Kỹ thuật quân sự mỗi đơn vị có 3 bài, Trường ĐH Duy Tân và ĐH Quốc gia Hà Nội mỗi đơn vị cùng có 2 bài, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 1 bài.

So sánh giữa tổng số bài của từng trường được Nature Index thống kê với số bài nội lực cho thấy Trường ĐH Phenikaa có 13 bài được thống kê thì tới 12 bài là nội lực (chiếm tỷ lệ 92,3%). Tuy nhiên, sự bền vững về nội lực của Trường ĐH Phenikaa cũng khá mong manh khi thành quả có được chủ yếu nhờ một cá nhân nhà khoa học. Một mình nhà khoa học này “gánh” tới 7/12 bài nội lực của Trường ĐH Phenikaa.

Một số đơn vị tuy có ít bài được thống kê nhưng mà “chất”, đạt 100% nội lực, như Học viện Kỹ thuật quân sự có 3 bài thì cả 3 bài đều nhờ nội lực, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chỉ có 1 bài nhưng là bài nội lực.

Sự “lệch pha” giữa các bảng xếp hạng

Ba đơn vị nghiên cứu tuy nằm trong top 10 Việt Nam, nhưng không có bài nội lực nào, gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, lý do không có bài nội lực là bởi cán bộ cơ hữu của 2 đơn vị này chỉ tham gia công bố các công trình với tư cách đồng tác giả, không có ai là tác giả đầu hay tác giả liên hệ.

Riêng với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tuy có 2 bài được thống kê trong Nature Index 2022 nhưng nội lực bằng 0 vì các lý do: 1 bài cán bộ cơ hữu của trường chỉ là đồng tác giả; bài còn lại là công trình của chỉ một tác giả, dù ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng tác giả này lại không phải là cán bộ cơ hữu của trường, mà thuộc biên chế của Trường ĐH Tây Nguyên.

Top 10 đơn vị nghiên cứu Việt Nam theo Nature Index: Thực lực đến đâu ? - ảnh 2

So sánh thứ hạng của một số trường đại học Việt Nam theo Nature Index với vị trí của các trường này trong 3 bảng xếp hạng quen thuộc gồm THE, QS và ARWU. DƯƠNG TÚ

Một trường hợp đáng chú ý khác là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Nếu chỉ đơn thuần đếm số bài, đơn vị này dẫn đầu Việt Nam (57 bài), nhưng chỉ có 3 bài nội lực (đạt tỷ lệ 5,3%). Mặt khác, dù có nhiều bài nhất Việt Nam theo Nature Index nhưng chỉ số đóng góp của đơn vị này rất thấp, chỉ có 2,72. Nguyên nhân của việc này là do các tác giả có tên trong nhiều công trình nhờ tham gia các dự án quốc tế “khủng”, mỗi dự án bao gồm hàng trăm nhà khoa học – tương đương với hàng trăm tác giả cho mỗi bài báo, nên chỉ số đóng góp theo đầu người rất nhỏ, gần như bằng 0.

Đến đây, có thể nhận thấy sự lệch pha rất lớn giữa xếp hạng theo Nature Index với 3 bảng xếp hạng quen thuộc là THE (Times Higher Education), QS (Quacquarelli Symonds) và ARWU (Academic Ranking of World Universities). Tuy chưa lọt vào bất kỳ bảng xếp hạng nào trong số 3 bảng xếp hạng này, Trường ĐH Phenikaa ở vị trí dẫn đầu Việt Nam khi đánh giá dựa trên các công trình khoa học chất lượng cao. Ngược lại, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng thường đứng đầu Việt Nam trong nhiều bảng xếp hạng lại có nội lực tương đối khiêm tốn theo Nature Index (Trường ĐH Duy Tân chỉ có 2 bài nội lực trong tổng số 15 bài báo được thống kê, đạt tỷ lệ nội lực 1,3%).

Thấy gì qua phần chìm của “tảng băng” Nature Index 2022?

Ở cấp độ đơn vị nghiên cứu, nội lực nghiên cứu chất lượng cao của một trường ĐH là hệ quả trực tiếp từ chính sách khoa học của lãnh đạo trường đó.

Mấy năm nay, cộng đồng khoa học và dư luận đã không còn xa lạ với việc bỏ tiền “mua” bài báo của một số trường ĐH nhằm tạo thành tích ảo để gian lận xếp hạng, đánh lừa người học và xã hội. Trong khi với cùng nguồn lực đó, hướng sử dụng đúng đắn phải là xây dựng năng lực nghiên cứu thực chất bằng cách tập trung đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng, xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm gắn liền với phát triển đội ngũ cán bộ cơ hữu, liên tục đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực kế cận, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu để giải quyết các vấn đề lớn. Chính sách khoa học kiểu ăn xổi, chạy theo thành tích ảo, đếm bài trả tiền không chỉ khuyến khích việc đăng nhiều bài báo “rác” trên các tạp chí chất lượng thấp, lấy số lượng để kiếm tiền thưởng mà còn gây khó khăn, hạn chế cơ hội làm nghiên cứu chất lượng cao của các nhà khoa học nghiêm túc.

Nhiều nhà khoa học tâm huyết, có trách nhiệm đã liên tục cảnh báo vấn nạn các đầu nậu thuộc mạng lưới mafia khoa học nước ngoài đứng ra làm đầu mối thu gom hàng ngàn bài báo thượng vàng hạ cám từ khắp nơi rồi bán cho một số trường ĐH ở Việt Nam để phục vụ mục đích tạo thành tích khoa học ảo. Hậu quả nhãn tiền của chính sách mua bài này đã được báo chí nhiều lần phản ánh, đơn cử như bài Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: chất độc bắt đầu phát tác trên số báo ra ngày 8.6.2021 của Thanh NiênHoặc chỉ mới 4 tháng trước, báo Thanh Niên cũng đã đăng tải cảnh báo về hành vi gian lận, lừa đảo quy mô rất lớn của một “giáo sư ngoại” thuộc biên chế một trường ĐH trong nước, thế nhưng lãnh đạo trường này chưa bao giờ thực hiện trách nhiệm giải trình của họ.

Trên bình diện quốc gia, sự vươn lên mạnh mẽ của các đại học Trung Quốc trong nghiên cứu đỉnh cao có thể là bài học tham khảo tốt cho Việt Nam. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 vừa được ban hành với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể (đáng chú ý là đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2 – 1,5% GDP vào năm 2025 và tăng lên 1,5 – 2,0% GDP vào năm 2030, so với mức 0,44% GDP hiện nay) hy vọng sẽ được triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại.

TS Dương Tú

Theo Dương Tú – Quý Hiên/TNO

 

Bình luận (0)