Nhiều học sinh băn khoăn phải học như thế nào để thích ứng với những thay đổi (nếu có) của kỳ thi THPT quốc gia 2019, và trên hết là có thể “đặt chân” vào giảng đường ĐH… TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) trấn an rằng, dù kỳ thi có thay đổi thế nào thì việc nắm vững kiến thức trong chương trình lớp 12 vẫn là cơ bản nhất.
Chuyên gia trao đổi thêm thông tin với học sinh Trường THPT Thanh Đa sau chương trình tư vấn
Thông tin trên được TS. Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2) và Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Chương trình có sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM.
Đừng bận tâm quá nhiều về các thay đổi
Lời nhắn nhủ này được TS. Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra trong bối cảnh kỳ thi THPT quốc gia 2019 tới đây được Bộ GD-ĐT khẳng định không còn là “2 trong 1”. Song song với đó, phương thức xét tuyển của các trường hầu hết chưa được công bố, tạo ra tâm lý hoang mang đối với học sinh và ngay cả giáo viên. Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, dù tính chất kỳ thi có thay đổi như thế nào thì tính đến thời điểm này, các em vẫn phải chú trọng học cho chắc kiến thức lớp 12. Dù Bộ GD-ĐT chưa công bố đề thi có kiến thức lớp 10, 11 hay không nhưng nếu thay đổi không quá nhiều thì chắc chắn sẽ vẫn có, chỉ có thể là chiếm bao nhiêu %. Do đó, khi học những phần kiến thức có sự liên quan giữa các chương trình, các em cũng nên có sự chuẩn bị trước.
Về hình thức tuyển sinh của các trường, theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, hiện tại nhiều trường ĐH, CĐ đã công bố rõ ràng phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, một số trường lại dùng điểm học bạ, xét các tổ hợp môn. Ngoài ra, một số trường lại có thêm kỳ thi đánh giá năng lực. “Tốt nhất là khi mong muốn học ngành nào, trường nào, các em nên có sự theo dõi sát sao. Tiếp tục theo dõi thông tin vì nhiều trường chưa công bố phương thức xét tuyển”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khuyên.
Xét tuyển vào trường thuộc khối công an, quân đội
Trước mong muốn của nhiều học sinh tìm hiểu cách thức xét tuyển vào các trường thuộc khối công an, quân đội, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho hay: Các trường thuộc khối công an và quân đội thường là những trường có điểm chuẩn rất cao. Có những năm, điểm chuẩn lên đến 30,5. Tức là ngoài điểm thi đạt gần như tối đa, các em còn phải có thêm ưu thế điểm cộng vùng miền. Cộng thêm các yếu tố về chiều cao, cân nặng, giới tính. “Muốn xét tuyển vào các trường này, học sinh hãy căn nhắc kỹ lực học của bản thân. Còn phương thức xét tuyển, trước hết các em phải vượt qua kỳ sơ tuyển. Để đăng ký hồ sơ dự tuyển, các em liên hệ với công an quận/huyện; nếu các em vượt qua vòng sơ tuyển thì mới được tham gia kỳ xét tuyển. Và lưu ý là chỉ xét ở nguyện vọng 1. Tốt nhất là các em hãy liên hệ trực tiếp với trường để được giải đáp kỹ lưỡng”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý.
Ngành Việt Nam học không hề cứng nhắc
Việt Nam học – ngành học nghe có vẻ trừu tượng – lại trở thành từ khóa được nhiều học sinh của hai trường quan tâm. ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho hay đây là một ngành học khá đặc biệt và đặc thù, khối lượng kiến thức sẽ liên quan chủ yếu đến lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội Việt Nam. Ngành này ra trường làm gì? Theo ThS. Trần Nam, sinh viên ngành Việt Nam học ra trường có việc làm tập trung theo các ứng dụng của đời sống, xã hội, đặc biệt là làm du lịch. Và đây là hướng đi được phần lớn sinh viên lựa chọn, nhất là khi ngành du lịch đang cần rất nhiều nhân lực.
Học sinh Trường THPT Giồng Ông Tố đặt câu hỏi với ban tư vấn
Liên quan đến ngành du lịch, TS. Nhan Cẩm Trí (Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) bổ sung thêm, để theo được ngành này cần phải có sức khỏe, không say tàu xe, chịu được áp lực công việc cao. “Các em phải lường trước, chuẩn bị trước những áp lực, khó khăn sẽ gặp phải. Đặc biệt là phải trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ tốt. Chỉ có như thế công việc mới tốt, đồng nghĩa với thu nhập cao”, TS. Nhan Cẩm Trí nói.
Tâm lý học cần những kỹ năng gì?
Một trong những ngành nghề được học sinh hai trường đặt câu hỏi là ngành tâm lý học. Theo TS. tâm lý Vũ Thiện Toàn, ngành tâm lý học không có hệ CĐ và chỉ có một số trường ĐH đào tạo như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM. Đây là ngành học khá khó. Dù còn non trẻ tại Việt Nam nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, học sinh đổ xô đăng ký học mà quên đi các tiêu chí đặc biệt của ngành để dẫn đến những hậu quả như không có việc làm, không theo học được.
TS. Vũ Thiện Toàn cho hay, tâm lý học là ngành nghiên cứu tâm lý nội tâm con người. Vì vậy, trước khi đăng ký học, các em phải tự hỏi mình có phải là người thích “tò mò” tìm hiểu tâm lý nội tâm con người hay không. “Hai ngôn ngữ chính của ngành là tiếng Anh và tiếng Pháp. Chỉ khi học tốt hai ngôn ngữ này thì các em mới đọc được những tài liệu liên quan đến ngành. Đã học khó, ra trường hành nghề còn khó hơn bởi muốn có cơ hội làm việc tốt thì các em phải học thật tốt”, TS. Vũ Thiện Toàn cho biết.
Cùng chung nhận định, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo chia sẻ rằng tâm lý học là ngành rất đặc thù, xã hội phát triển nên cơ hội công việc cũng rất nhiều. Cụ thể, các em có thể làm việc trong trường học về tư vấn, tham vấn học đường hoặc tư vấn tình yêu, gia đình, can thiệp tâm lý tại các bệnh viện. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cũng đưa ra lời khuyên: “Để lựa chọn ngành tâm lý học, các em cần phải xem bản thân có những tố chất như khả năng quan sát tỉ mỉ, sự cẩn thận, biết lắng nghe, kiên nhẫn… không?”.
Quang Long
Bình luận (0)