Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, tuyển sinh đầu cấp năm 2022 sẽ sử dụng mã số định danh của học sinh, từ đó kết nối dữ liệu dùng chung toàn ngành.
Học sinh Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1) trong một giờ học
Thông tin được trên được lãnh đạo Sở GD-ĐT nêu ra trong hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2021-2022 bậc tiểu học mới đây.
Tuyển sinh đầu cấp sẽ sử dụng mã số định danh
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc thông tin, năm 2021 công tác tuyển sinh đầu cấp trực tuyến lần đầu tiên được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố. Năm nay, tuyển sinh trực tuyến cũng sẽ là xu thế tuyển sinh của các quận, huyện.
Để làm tốt công tác này, lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng giáo dục phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông tin đầy đủ cơ sở dữ liệu của học sinh.
“Tuyển sinh đầu cấp năm 2022 sẽ sử dụng mã số định danh của học sinh, từ đó kết nối dữ liệu dùng chung toàn ngành. Mã số định danh sẽ là một cột chính để kết nối tất cả các cơ sở dữ liệu. Do vậy, các nhà trường cần rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu toàn ngành”, ông Quốc nhấn mạnh.
Cũng trong Hội nghị sơ kết, Phó Giám đốc Nguyễn Bảo Quốc cho hay, theo quy định mới nhất của UBND TP, mô hình trường tiên tiến hội nhập sẽ có một số thay đổi về tiêu chí. Đặc biệt, theo quy định, các trường tiên tiến hội nhập sẽ được thay đổi từ xây dựng mô hình trường tiên tiến hội nhập thành trường “thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế””.
Tiết học của học sinh lớp 1, Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1)
“Thay đổi về từ ngữ sẽ kèm theo những quy định khác. Đây là sự thay đổi rất lớn. Sở GD-ĐT đang tham mưu UBND TP, HĐND TP có những chính sách khác hơn so với trước đây là mô hình trường tiên tiến hội nhập”, lãnh đạo Sở thông tin.
Linh động thay đổi hình thức dạy học
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, hiện nay các trường đã rất linh hoạt trong việc tổ chức dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, song song trực tiếp và trực tuyến với nhiều hình thức dạy học bổ trợ, phụ đạo.
Tuy nhiên, nhà trường cần chú ý việc xây dựng hoạt động bổ trợ phải đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học một cách linh động, trên tinh thần thay đổi theo thời gian trong phòng chống dịch là việc luôn luôn xảy ra.
“Trong bối cảnh dịch Covid hiện nay, hôm nay có thể thế này nhưng ngày mai đã có thể khác. Do vậy, trong xu thế chuyển từ hình thức phức tạp sang xu thế bình thường mới nhà trường cần có sự linh động, ứng phó kịp thời, làm sao tiến tới không chỉ phòng chống dịch Covid mà còn là phòng chống dịch toàn diện trong trường học”, ông Quốc nêu.
Ông Nguyễn Bảo Quốc khẳng định, chính sự chủ động, linh hoạt để thích ứng của mỗi nhà trường, từ cán bộ quản lý đến thầy cô giáo sẽ là “kim chỉ nam” để thực hiện việc tổ chức dạy học song song trực tiếp, trực tuyến, hoàn thành chương trình năm học trong điều kiện dịch bệnh. Thầy cô tiếp tục chia sẻ, động viên để phụ huynh hiểu, đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được đến trường, tiếp thu kiến thức phát triển toàn diện. Tránh trường hợp không đến trường không được học tập.
Đối với việc triển khai chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học, ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá tư tưởng thoát khỏi sách giáo khoa là tư tưởng mới đáng hoan nghênh đối với giáo viên tiểu học. Tư tưởng này sẽ là khởi nguồn để triển khai chương trình mới, giúp thầy cô chủ động xây dựng bài học, tiết học, đảm bảo thực hiện hiệu quả tốt nhất việc tổ chức dạy học, nâng cao năng lực học sinh.
Theo ông, chương trình GDPT 2018 không chỉ thay đổi sách giáo khoa mà còn là sự thay đổi toàn diện, căn bản. Từ việc tổ chức, quản lý trường học đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, thay đổi về cách thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy, việc đưa các hoạt động dạy học thông qua chơi, mô hình lớp học đảo ngược. Mô hình lớp học đảo ngược sẽ xuyên suốt luôn cả 3 cấp học, từ tiểu học, THCS và THPT.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2021-2022, thành phố có 561 trường tiểu học, với tổng số 670.704 học sinh – tăng 18.056 so với năm học 2020-2021. Trong HKI, tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày đạt 82,2%, số lớp học 2 buổi/ngày là 68,4%, số học sinh học 2 buổi/ngày là 65,4%. Sĩ số bình quân 39 học sinh/lớp. Số học sinh tiểu học được tiếp cận tiếng Anh trên toàn thành phố là 639.938 học sinh, chiếm tỷ lệ 95,4%. Trong đó, riêng học sinh lớp 3, 4, 5 là 396.632 em, đạt tỷ lệ 96,2%; Số học sinh được tiếp cận tin học trên toàn thành phố là 445.117 em, tỷ lệ 68,2%. Riêng học sinh khối 3, 4, 5 là 312.214 học sinh, đạt tỷ lệ 81,4%. Về đội ngũ, năm học này toàn thành phố có 28.161 giáo viên, tăng 3.482 giáo viên so với năm học trước. Trong đó, đa phần là đạt chuẩn, trên chuẩn. Tính trên toàn thành phố, định mức phòng học/lớp đạt 0,9; định mức giáo viên/lớp đạt 1,4. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, học kỳ I năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vượt qua đại dịch, vững vàng phát triển và phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Mỗi đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục nhà trường, đảm bảo việc thực hiện chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới ở bậc lớp 1, 2. |
Đặc biệt, với công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 3 chương trình mới, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu các trường cần tập trung tham khảo chọn sách đúng quy định, đảm bảo tiến độ thời gian đề xuất với UBND TP lựa chọn ra bộ sách chung.
Trong đó, riêng đối với sách giáo khoa ngoại ngữ và tin học, khi tham khảo lựa chọn các trường cần chú ý vì TP.HCM có những đặc thù riêng, không chỉ triển khai 2 môn học này từ lớp 3 trở đi mà đã đưa vào giảng dạy từ bậc lớp 1.
Cũng liên quan đến công tác triển khai chương trình GDPT 2018, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc cho hay, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là quy định chung của chương trình. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT sẽ có tham mưu bổ sung thêm về hình thức tổ chức trang bị kỹ năng cho học sinh để tạo nguồn thu cho nhà trường. Dù vậy, nhà trường phải đảm bảo từng giáo viên đều phải tham gia vào công tác này thì mới có sự hỗ trợ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)