Theo các cán bộ quản lý giáo dục, Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phù hợp với ngành giáo dục. Nhiều ý kiến không đồng tình bởi một khi phạt giáo viên bằng tiền thì sẽ mất đi tấm gương mẫu mực để học sinh noi theo.
Theo các nhà quản lý giáo dục, nếu áp dụng hình phạt bằng tiền thì người thầy không còn là tấm gương cho học sinh noi theo nữa. Trong ảnh: Giáo viên ân cần hướng dẫn học sinh tập viết. Ảnh: Y.Hoa
Phạt tiền không phù hợp với nghề giáo
Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu, Đà Nẵng), với một nhà giáo thì không thể đem tiền ra quy đổi nhân phẩm, phẩm chất của họ. Phẩm chất, đạo đức nhà giáo đã được quy định tại Chuẩn giáo viên, trong Điều lệ giáo dục, trong Luật Giáo dục. Và giáo viên cũng là một viên chức, trong Luật Viên chức cũng đã có quy định về phẩm chất, đạo đức của viên chức. Một khi giáo viên nào vi phạm những điều đó thì không thể là một nhà giáo. Còn vấn đề xúc phạm danh dự học sinh, suy xét một cách thật cẩn trọng thì ngưỡng đó thật mong manh, lấy thước đo nào để gọi là xúc phạm? Để nhận định học sinh có bị xúc phạm hay không cần có minh chứng, nhân chứng… Điều đó rất khó phân định. Mặt khác, một khi đã chọn nghề thì thành nghiệp nên buộc mỗi giáo viên phải thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ, cái tâm của mình. Để hạn chế việc giáo viên vi phạm thì lấy những điều giáo viên không được làm quy định tại Điều lệ trường tiểu học, những điều nhà giáo không được làm quy định trong Luật Giáo dục để thực hiện kỷ luật. Vì vậy, cô Nguyệt cho rằng không nên lấy tiền để phạt hành vi mà giáo viên vi phạm như dự thảo đã nêu.
Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Mai Trọng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho rằng nếu áp dụng hình phạt thì người thầy không còn là tấm gương cho học sinh noi theo nữa. Hình phạt trên thậm chí còn phản cảm và nặng nề. Đó là chưa kể nếu bị phạt, lương giáo viên thấp, không đủ sống thì phải vay mượn để đóng phạt – món nợ về mặt kinh tế nặng nề một nhưng cảm giác tổn thương về sự tôn nghiêm trên bục giảng còn gấp nhiều lần.
Thầy Trọng cho biết trong quá trình dạy học, giáo viên phải có hình thức quản lý học sinh, mà đã quản lý thì phải có mệnh lệnh (có thể to tiếng). Việc đó không phải xúc phạm danh dự học sinh nhưng để phân định được rạch ròi cũng rất khó. Giáo viên trong quá trình quản lý học sinh cần tránh xúc phạm thân thể, nhân cách học sinh là được. Mặt khác, dùng từ phạt là không phù hợp. Nếu một giáo viên đứng trên bục giảng mà mang án phạt thì trong mắt học sinh, sự uy nghiêm có phần giảm sút, liệu các em có còn tuân thủ nội quy lớp học hay hằn sâu nếp nghĩ “đến thầy cô còn bị phạt huống gì học sinh?”.
Hãy “đánh” vào lòng tự trọng thay vì tiền
Để đưa ra giải pháp xác đáng hơn, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho rằng hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trong công tác tuyên truyền để giáo viên nâng cao nhận thức về vấn đề này. Nếu được, các cấp nên trao quyền cho hiệu trưởng khi giáo viên vi phạm thì tạm ngưng bố trí đứng lớp. Đây là biện pháp phạt lớn nhất đối với lòng tự trọng của giáo viên. Hiệu trưởng cũng chính là người phát huy sự giao thoa kinh nghiệm ứng xử với học sinh, công tác chủ nhiệm giữa các thế hệ giáo viên trong trường; nhân rộng, nêu gương những giáo viên tiêu biểu trong công tác giảng dạy, chủ nhiệm; truyền lửa yêu nghề cho giáo viên… Đó là những biện pháp mà hiệu trưởng nhà trường cần thực hiện để tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, tích cực.
Việc trao quyền quá lớn cho người học vô tình giảm uy nghiêm của người thầy trên bục giảng, sẽ dẫn đến tác dụng ngược. |
Trong khi đó, thầy Nguyễn Mai Trọng đặt câu hỏi: “Sao không “đánh” vào lòng tự trọng, danh dự của giáo viên mà “đánh” vào kinh tế?”. Có nhiều hình thức khác thay vì phạt tiền, ví dụ như kiểm điểm, kỷ luật, chậm nâng lương, tùy mức độ. Đối với Trường Tiểu học Hướng Phùng, đầu mỗi năm học giữa nhà trường và giáo viên đều ký cam kết thực hiện nhiệm vụ giáo dục, trong đó có nội dung không xúc phạm học sinh. Và chính mỗi giáo viên đều tự nhận hình thức nếu có xúc phạm thân thể, danh dự học sinh. Từ cam kết đó, bản thân mỗi giáo viên đều kiềm chế tốt để không vi phạm nội dung cam kết. Đây là sợi dây ràng buộc giáo viên trong dạy học, đồng thời cũng là cách giữ gìn hình ảnh người thầy để các thế hệ học sinh noi theo.
Đa số các nhà quản lý giáo dục đều đồng nhất quan điểm rằng, điều căn bản nhất trong giáo dục vẫn là sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và xã hội để tạo nên môi trường thân thiện. Mặt khác, người giáo viên khi chọn nghề đứng trên bục giảng phải tạo ra được mối quan hệ tốt với học sinh của mình. Giáo viên không chỉ là người truyền kiến thức mà còn là người mẹ, người thầy, người bạn giúp học sinh uốn nắn, hình thành nhân cách. Một khi đã tạo ra mối quan hệ tốt đó thì mọi ứng xử đều trở nên nhẹ nhàng và không có chuyện giáo viên xúc phạm thân thể, danh dự học sinh. Việc trao quyền quá lớn cho người học vô tình giảm uy nghiêm của người thầy trên bục giảng, sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Khi đó người thầy chính là đối tượng bị “soi xét” ở mọi góc độ và luôn trong trạng thái bị động, mất đi vị trí làm người dẫn dắt mà lẽ ra họ có đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm để thực hiện.
Hàn Giang
Bình luận (0)