Vào tháng 4-2021 vừa qua, chuyên trang Love Food của Anh đã đưa ra một danh sách các món ăn “phải thử trong đời”. Trong danh sách đó, người Nhật có mì ramen, người Trung Quốc có vịt quay Bắc Kinh, người Pháp có món bò hầm bourguignon, người Ý có món mì cacio e pepe, người Hàn có món cơm trộn bibimbap, người Úc có món cá barramundi và người Việt Nam có món phở…
Du khách Tây rất yêu thích món phở Việt Nam
Phở là tinh hoa ẩm thực Việt Nam
Sức hút và sự phổ biến của phở đã được cộng đồng quốc tế công nhận khi phở trở thành một từ được đưa vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary) xuất bản ngày 20-9-2007 tại Anh và Mỹ. Điều đó cho thấy rằng, phở không chỉ là món ăn quen thuộc, đặc trưng của người Việt, mà còn trở thành một thương hiệu văn hóa Việt và để lại ấn tượng đẹp về ẩm thực Việt Nam đối với khách nước ngoài.
Có thể nói, phở là món ăn quan trọng đối với người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Một ký giả ẩm thực người Úc – Joanna Savill có nhận định khá thú vị về phở: “Như tất cả các món ăn tuyệt vời khác, phở tự thân là một câu chuyện, là một phương tiện của nền văn hóa và lịch sử đã sản sinh ra nó. Thưởng thức, chia sẻ món ăn này là một cách thừa nhận và cảm tạ lịch sử và văn hóa”.
Một giả thuyết cho rằng phở xuất phát từ món canh của người Quảng Đông làm bằng bột gạo và thịt lợn, thịt trâu có tên là “Trư Nhục Phấn” hay là “Ngưu Nhục Phấn”. Nhưng người Hoa đọc tắt và theo âm ngữ Quảng là Phớn hay Phởn, Ngẫu Phởn, lúc rao vang lên, người dân Hà Nội nghe tiếng rao bán, gọi là “Phở”… Tuy vậy, theo các cụ xưa thì thật ra món “Phấn” của người Tàu theo truyền thống chỉ nấu bằng xương lợn, thịt lợn như món hủ tiếu ngày nay.
Phở là tinh hoa ẩm thực Việt Nam
Giả thuyết khác cho rằng, một đầu bếp có tài ở thành phố Nam Định đã sáng tạo ra phở. Để làm cho phở hấp dẫn, ông ta dùng nguyên liệu chính là bánh phở (nguồn gốc Việt Nam) và những lát thịt bò (nguồn gốc từ Pháp) rồi thêm một số gia vị.
Dù phở thường được cho là ở Hà Nội nhưng món ngon này rất có thể bắt nguồn từ làng Vân Cù tỉnh Nam Định đó là giả thuyết thứ ba. Theo đó, những người dân nghèo đã sáng tạo ra phở và đi bán rong ở Hà Nội. Điều này giải thích vì sao một số người nấu phở giỏi ở Hà Nội là người làng Vân Cù.
Dù giả thuyết nào đi chăng nữa, vẫn có một điều chắc chắn rằng phở hoàn toàn ra đời ở Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo. Phở rất hợp với khẩu vị của người Việt bởi nó là món ăn được nấu một cách khéo léo từ gạo, xương, thịt, các loại rau và gia vị. Phở đối với người Việt là món ăn thân thuộc sau cơm.
Phở Việt đã và đang hội nhập mạnh mẽ, không nơi nào có người Việt sinh sống trên thế giới mà không có phở. Ở phương trời xa, món phở không được chế biến đầy đủ hương vật liệu như tại quê nhà nhưng một thoáng vị phở cũng đủ làm tâm hồn những người con xa quê ấm áp, đỡ nhớ quê hương.
Đã có “Ngày của phở”
Tất cả sự tinh tế của món phở đã tìm được bản sắc của mình và làm nên niềm tự hào của một dân tộc. Nó nghiễm nhiên đi vào thơ văn, phim ảnh, tâm hồn của người Việt. Để tôn vinh nét đẹp của phở, Báo Tuổi Trẻ cũng đã khởi xướng lấy ngày 12-12 hằng năm là “Ngày của phở”. Phở Việt luôn mang hương vị, nét đẹp văn hóa Việt, xứng đáng là món ngon đại diện văn hóa ẩm thực nước nhà.
Trong ngày 12-12-2021 vừa qua, phở được quảng bá trên trang chủ Google tìm kiếm tại 20 quốc gia, bao gồm: Việt Nam, Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Sĩ, Đức, Áo, Phần Lan, Hy Lạp, Iceland, Israel, Hungary, Ba Lan, Bulgaria, CH Czech, Lithuania, Singapore và Thái Lan. Google cho biết, họ muốn tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc đến với công chúng Việt Nam và quốc tế. Đó là một ảnh động mô tả cách món phở được chuẩn bị bài bản gồm bánh phở, những lát thịt bò và hành, rau thơm với nước dùng nóng hổi mời thực khách. Những nguyên liệu không thể thiếu cho một món phở chuẩn vị, những phụ liệu ăn kèm như bánh quẩy cùng giấm ớt đặc trưng của phở Hà Nội, hay giá đỗ rau thơm của phở miền Nam cũng được bày biện bắt mắt.
Mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết: “Phở cũng như hàng trăm món ăn rất xứng đáng trở thành một văn hóa phi vật thể. Để đưa phở thành món ăn đăng ký với UNESCO, hành trình này thường mất hai năm, nhưng với quyết tâm, tôi tin chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu”. Hình ảnh trong “Ngày của phở” 12-12-2021 vừa qua |
Phở như người bạn thân thuộc của người Việt, dễ dàng thưởng thức phở ở một quán nhỏ ven đường hay một tiệm phở danh tiếng góc phố. Thế nên từ khóa “quán phở gần đây” liên tục nằm trong top 2 danh sách xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất năm 2020 và 2021.
Sợi bánh phở và cách dùng không giống với món mì hay món sợi nào trên thế giới đã tạo nên vị trí cho món phở trong danh sách tinh hoa ẩm thực thế giới.
Tại “Ngày của phở”, công chúng được thưởng thức hàng nghìn tô phở được thực hiện bởi những thương hiệu phở nổi tiếng, chứng kiến vòng chung kết cuộc tranh tài “Đi tìm người nấu phở ngon” năm 2021. Nhiều chủ tiệm phở nổi tiếng Bắc Trung Nam có mặt tại cuộc thi để so tài…
Nhiều người từng bảo “phở là tinh hoa ẩm thực Việt Nam”. Phở mới là “thực” thôi, còn “ẩm” ra sao?. Ăn phở phải uống gì mới đúng bài? Thực ra phở kết hợp được ngũ vị cơ bản của vị giác. Tùy mỗi vùng miền sẽ có cách gia giảm khác nhau. Với ẩm thực, sau khi dùng bữa, nếu có thức uống thích hợp sẽ tôn lên cái hậu của món ăn. Ông bà ta ngày xưa có thói quen uống nước chè, đặc biệt là chè xanh, sau khi ăn phở. Ngày hôm nay, cùng với sự phát triển của xã hội, không còn dừng lại ở nước vối hay nước chè, đã có thêm nhiều loại trà khác như trà hương hay trà mộc. Chính cái vị đắng của trà khi kết hợp với phở khiến cho cái hậu của phở đậm đà hơn, giống như âm với dương kết hợp. Ngày hôm nay, có lẽ còn thiếu một quầy trà đẳng cấp. Mong rằng trong tương lai, nếu “Ngày của phở” được kết hợp thêm với cả trà, sẽ hết sức thú vị, vì đấy là một sự kết hợp khá hoàn hảo.
Hoa Thư
Bình luận (0)