Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em cấp tiểu học, THCS chiếm tỉ lệ thấp, khoảng 30%. Vì vậy, tình trạng trẻ em đến trường không đội MBH vẫn rất đáng lo ngại.
Phụ huynh vẫn chưa nhận thức đúng về việc đội MBH cho con là cần thiết
Tại các cổng trường tiểu học, dễ dàng nhận thấy tình trạng các em HS không đội MBH khi được cha mẹ đưa đón khá nhiều. Chị Phan Thị Minh (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Cháu nó nhỏ quá so với cái MBH. Thêm nữa, nhà cũng gần trường nên khi đi đón tôi cũng không mang mũ cho con. Đi qua hai ngã tư là về tới nhà rồi nên tôi nghĩ chắc không sao đâu”.
Còn có rất nhiều lý do cho việc đưa rước con từ nhà đến trường và ngược lại, nhiều bậc phụ huynh vẫn chủ quan không đội mũ cho con. Anh Huỳnh Văn Mẫn (Q.Tân Bình) cho biết: “Tôi không rõ lắm về quy định bắt buộc đội MBH. Trường học của con cũng không quá xa, nên tôi nghĩ cũng không cần phải đội. Đưa con đi làm tôi đi làm luôn, có thêm một cái mũ nữa cũng vướng víu”.
Có rất nhiều lý do khiến các bậc phụ huynh không chấp hành những quy định về an toàn, đội MBH cho con nhỏ. Ngoài lý do chủ quan thì hiện nay thị trường mũ bảo hiểm giả, không đạt chuẩn đang làm cho các phụ huynh hoang mang. Họ lo ngại khi đội mũ có nguy cơ làm chấn thương đốt sống cổ của trẻ nên việc tuân thủ đội MBH cho trẻ khi đến trường còn nhiều hạn chế.
Thực trạng không đội MBH cho con không chỉ thiếu ý thức chấp hành giao thông mà còn tạo nên sự không thống nhất giữa việc giáo dục từ phía nhà trường và quan điểm của phụ huynh. Bởi lẽ, trong khi nhà trường luôn có những buổi học về ATGT, hướng dẫn trẻ phân biệt các tín hiệu đèn giao thông, những quy định trong việc tham gia giao thông bằng những hình ảnh sinh động. Ngược lại, trong thực tiễn cha mẹ đưa con đi học lại không tuân theo các quy định của Luật ATGT. Điều này đã khiến cho nhận thức của các em HS bị khập khiễng, không biết phải tin ai. Bé Vân An (HS lớp 3) kể: “Mẹ nói con còn nhỏ không cần đội MBH nên con không có đội. Con thấy các bạn lớp con cũng không ai đội”.
Có thể thấy rõ, việc không đội mũ cho trẻ vô hình trung đã tác động tới nhận thức của trẻ, dẫn đến tâm lý đám đông, không đội MBH cho trẻ là điều hiển nhiên. Với thực trạng trên, thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức của phụ huynh, cần phải có kế hoạch giải quyết những vấn đề cốt lõi như: MBH phải phù hợp với từng độ tuổi, thích hợp với sự phát triển xương của trẻ; Cần nâng cao nhận thức đúng và đủ của phụ huynh về vấn đề đội mũ cho trẻ là một điều rất cần thiết; Cần có những khung hình phạt thích hợp và cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan đơn vị có trách nhiệm trong vấn đề này.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT năm 2017 cho thấy tỷ lệ trẻ em bị tai nạn giao thông bình quân ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: cao gấp 1,25 lần so Campuchia; 2,73 lần so Nhật Bản và 1,84 lần so Hàn Quốc. Chính vì vậy, năm 2018, Ủy ban ATGT quốc gia chọn là năm “ATGT cho trẻ em”.
Phạm Quyên
Bình luận (0)