Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hộ có trẻ từ 5 đến 14 tuổi không đi học: Là hộ nghèo – nghèo về GD-ĐT

Tạp Chí Giáo Dục

Người lao động đăng ký tạm trú được khảo sát hộ nghèo và cận nghèo

Không chỉ thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm mới là hộ nghèo. Hộ có trẻ em từ 5 đến 14 tuổi hiện không đi học cũng là hộ nghèo – nghèo về GD-ĐT… Đây là phương pháp tiếp cận mới để lập danh sách hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn TP.HCM. Thông tin này đã được Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP cung cấp tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 8-3.

Chương trình giảm nghèo bền vững TP giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn chuyển tiếp, sử dụng song song cả hai phương pháp đo lường nghèo theo thu nhập và theo chiều nghèo xã hội để xác định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Xê – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – cho biết: Phương pháp này đang được một số tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới thực hiện. Tại Việt Nam, TP.HCM là địa phương đầu tiên được chọn thử nghiệm. Phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (nghèo xã hội – PV) có điều kiện đánh giá, phân tích sâu về thực trạng nghèo của TP, trên cơ sở đó đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và 5 chiều nghèo của người dân.

Thời gian khảo sát từ ngày 29-2 đến 29-4-2016 tại 322 phường xã, thị trấn thuộc 24 quận, huyện. Đối tượng khảo sát là hộ dân, thành viên của hộ đang sinh sống trên địa bàn phường xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát, gồm cả hộ có hộ khẩu thường trú và tạm trú. Danh sách hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ có vào cuối tháng 4-2016, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng và đầy đủ các nhu cầu xã hội cơ bản đang còn thiếu hụt của người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo.

Thước đo chiều nghèo xã hội gắn với các chỉ số đo lường và ngưỡng thiếu hụt là tiêu chí để chấm điểm xác định hộ nghèo và cận nghèo. Theo phương pháp tiếp cận này, tại TP.HCM có 5 chiều nghèo xã hội, gồm: GD-ĐT, y tế, việc làm và BHXH, điều kiện sống và tiếp cận thông tin.

Trong đó, chiều nghèo về GD-ĐT có 3 chỉ số đo lường, gồm: Trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em và trình độ nghề. Ở chiều này, hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ đủ 15 đến 30 tuổi không tốt nghiệp THCS và hiện không đi học là ngưỡng thiếu hụt chỉ số đo lường về trình độ giáo dục của người lớn. Hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (5-14 tuổi) hiện không đi học là thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em. Hộ gia đình có ít nhất 1 người trong độ tuổi từ 18-35 hiện không đi học và không có bằng cấp thấp nhất tương đương với sơ cấp nghề hoặc chứng nhận hoàn thành khóa học nghề là thiếu hụt về trình độ nghề.

Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Bình luận (0)