Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường học chủ động ứng phó dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, các trường học tại TP.HCM đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến cũng như “siết” phòng chống dịch bệnh trong nhà trường.


Trường THPT Nguyễn Du thực hiện phun khử khuẩn toàn trường phòng dịch

“Phát thanh” phòng dịch

Thời điểm này, với sự hỗ trợ của phụ huynh, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) đã trang bị trên 6000 chiếc khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay khô đủ để phục vụ cho 1550 học sinh toàn trường. Toàn trường có tổng cộng 22 máy đo thân nhiệt, 72 bồn rửa tay được bố trí khắp hành lang sân trường, tạo điều kiện để học sinh rửa tay thường xuyên.

Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay: “Không phải đến thời điểm này khi TP xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 trở lại thì công tác phòng chống dịch bệnh trong trường mới được triển khai, đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm học, công tác này đã được nhà trường quán triệt thực hiện thường xuyên, liên tục từ việc phun khử khuẩn, vệ sinh trường lớp cho đến tuyên truyền nâng cao ý thức học sinh, phụ huynh”. Trong đó, theo thầy Phú, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho phụ huynh, học sinh được nhà trường đặc biệt chú trọng, thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức: Phát thanh phòng dịch định kỳ vào 3 thời điểm là đầu giờ học, giờ ra chơi và cuối giờ học. Trong mỗi tiết học, học sinh đều được thầy cô tuyên truyền phòng bệnh Covid-19. Mỗi chào cờ đầu tuần, Hiệu trưởng cũng dành 5 phút để chia sẻ với học sinh, làm sao để các em không lơ là, chủ quan.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), sau khi TP.HCM phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trở lại, ngay lập tức nhà trường phát đi thông báo phòng chống dịch bệnh đến từng phụ huynh, học sinh. “Trường gửi đến từng phụ huynh “Thư ngỏ” ứng phó với dịch Covid-19, trong đó nhờ phụ huynh phối hợp cùng nhà trường nhắc nhở con em mình phương pháp phòng chống dịch bệnh như luôn đeo khẩu trang đúng cách khi đến trường, nơi đông người và ngoài lớp học, mang theo bình nước cá nhân, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế khi đến trường. Đồng thời hướng dẫn phụ huynh cách khai báo y tế, theo dõi sát tình hình sức khoẻ của con để thông báo kịp thời cho nhà trường, hướng dẫn phụ huynh việc đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt khi đến trường…”, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ).

Song song với đó, nhà trường cũng tăng cường vệ sinh khử khuẩn trường, lớp, tăng cường thêm xà phòng sát khuẩn, dung dịch rửa tay cho học sinh. “Việc đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn cho học sinh và đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, vệ sinh trường lớp được nhà trường duy trì xuyên suốt từ đầu năm học. Trước diễn biến mới này, nhà trường khuyến khích học sinh có thể đeo khẩu trang trong giờ học. Từng lớp học cũng sẽ chuẩn bị thêm khẩu trang y tế để phát khi học sinh quên”, cô Trang bổ sung.

Tương tự, tại Trường TH Võ Thị Sáu (Q.7), cô Nguyễn Hà Phương Thanh (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, công tác phòng chống dịch bệnh được nhà trường duy trì xuyên suốt từ đầu năm học, học sinh được đo thân nhiệt và rửa tay khi đến trường. GVCN thường xuyên nắm thông tin về tình hình sức khoẻ học sinh. “Với các ca nhiễm mới, GVCN luôn thông tin đến phụ huynh để kịp thời nắm bắt trường hợp học sinh có liên quan đến các ca nhiễm hay có di chuyển đến các địa điểm mà các bệnh nhân đã đến, để có hướng xử lý, phối hợp. Nhà trường cũng tăng cường kênh tuyên truyền đến phụ huynh, cùng với nhà trường nâng cao ý thức phòng chống dịch với học sinh”.

Chủ động xây dựng dạy học trực tuyến

“Nhà trường đang lên kế hoạch họp với giáo viên toàn trường để xây dựng phương án khởi động, chuẩn bị dạy trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước mắt, phương án dạy trực tuyến tốt nhất mà nhà trường thực hiện được trong bối cảnh này là ghi hình rồi gửi cho phụ huynh học sinh để phụ huynh học sinh có sự giám sát khi con em mình học ở nhà”, thầy Lê Ngọc Phong (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Bình, Q.4) thông tin.

Theo thầy Phong, do đã được tập huấn và thực hiện trong HKII năm học trước nên hiện nay việc dạy trực tuyến với đội ngũ giáo viên của trường cũng không còn lúng túng, khó khăn. “Điều quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của phụ huynh thì việc học trực tuyến của học sinh tại nhà mới đạt được hiệu quả cao”, thầy Phong nhấn mạnh.

Cũng như vậy, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) cho hay, ngay khi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới tại TP.HCM, nhà trường đã họp các Tổ trưởng chuyên môn để xây dựng phương án “chuẩn bị tâm thế dạy online” nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo nếu học sinh nghỉ dịch nhưng sẽ không nghỉ dạy. “Năm học này nhà trường đã triển khai đồng bộ dạy trực tiếp và trực tuyến, như sử dụng zalo, facebook, viber, web trường để gửi bài cho học sinh hoặc sử dụng phần mềm 789 để kiểm tra thường xuyên. Nhìn chung các giải pháp giảng dạy đều được nhà trường chuẩn bị chu đáo, chủ động ứng phó với diễn biến của dịch”.

Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) cũng đang gấp rút lên phương án dạy học trực tuyến, có thể áp dụng trong tuần tới để đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh. “Tuỳ từng môn, nhà trường có thể triển khai dạy học trực tuyến, thiết kế bài dạy, giao bài tập cho học sinh trên các nền tảng công nghệ. Cùng với đó, nhà trường sẽ xây dựng phương án đánh giá kết quả học trực tuyến một cách bài bản, đảm bảo đánh giá khách quan nhất học sinh. Tuy nhiên, để học trực tuyến có hiệu quả cao thì sự đồng hành của phụ huynh cũng rất quan trọng”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)