Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TP.HCM: Mạnh dạn “làm mới” kỳ kiểm tra HKI

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm cụ thể hoá các hướng dẫn của Thông tư 26 về kiểm tra, đánh giá học sinh ở bậc trung học, từng bước đồng bộ với đổi mới cách thức giảng dạy, trong bài kiểm tra học kỳ 1 (HKI) năm học 2020-2021 mới đây nhiều đơn vị trường học tại TP.HCM đã mạnh dạn làm mới. Không chỉ đổi mới trong đề thi theo hướng thực tế, nhiều đơn vị còn đổi mới cả cách thức kiểm tra, mang đến sự thích thú cho học sinh, tạo không khí “nhẹ nhõm” trong giờ kiểm tra tưởng chừng “gay cấn”.


Học sinh khối 9, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) làm dự án trong kỳ kiểm tra cuối HKI

“Thở phào” khi làm bài kiểm tra cuối HKI

Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học, từ năm học 2020-2021, hình thức kiểm tra học sinh sẽ được triển khai theo kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Trong đó, ở hầu hết các bộ môn, xuyên suốt năm học chỉ có 2 bài kiểm tra định kỳ (cuối HKI, HKII). Thời gian đầu khi mới ban hành, Thông tư đã từng khiến nhiều giáo viên xôn xao khi cho rằng mặc dù giảm số cột điểm kiểm tra nhưng chính việc “dồn” vào kiểm tra định kỳ sẽ làm gia tăng thêm áp lực kiểm tra cho học sinh. Tuy vậy, trong lần đầu tiên áp dụng ở HKI này, những lo lắng trước đây đã được chính học sinh giải toả từ sự mạnh dạn đổi mới của nhiều đơn vị.

Không đóng khung trong không gian lớp học, không cứng nhắc trong đề bài, đề kiểm tra cuối HKI môn Mỹ thuật khối 9, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) được… xê dịch trở thành dự án đầy sáng tạo, giấy kiểm tra được biến thành… sàn diễn thời trang của học sinh với dự án Thiết kế thời trang. Mỗi lớp chia thành 3 nhóm: nhóm thiết kế thời trang, nhóm thiết kế mô hình sân khấu từ vật liệu tái chế và nhóm poster quảng cáo. Chủ đề bộ sưu tập thời trang được mỗi lớp lựa chọn theo cảm hứng riêng từng lớp như bầu trời, vũ trụ, kim loại, đá quý, rạp xiếc…

“Đây là lần đầu tiên bài kiểm tra cuối HKI môn học được thực hiện theo cách thức này. Do đổi mới cách thức nên trước khi triển khai, tôi thông báo cho phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử để phụ huynh hiểu. Để đánh giá quá trình của học sinh, các tiêu chí đánh giá được xây dựng rõ ràng ngay từ đầu, bao gồm: ý tưởng, thẩm mỹ, sản phẩm, hoạt động nhóm. Sau khi hoàn thành sản phẩm, học sinh các nhóm trong một lớp sẽ tự đánh giá nhau, phần đánh giá này sẽ chiếm 30% tổng số điểm dự án”, thầy Nguyễn Thông (Giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) cho hay.

Kỳ kiểm tra cuối HKI năm học này cũng được Trường THCS Nguyễn Du đồng bộ đổi mới hình thức kiểm tra theo dạng dự án ở tất cả các khối lớp với các môn Mỹ Thuật, Công nghệ… Cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, bằng cách đổi mới này sẽ không chỉ giảm tải áp lực kiểm tra cho học sinh mà còn là cách để từng giáo viên chuyển mình, thích ứng với chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 6 vào năm học tới.

Giúp học sinh nhận diện các vấn đề thực tế

““Ma tuý đá” luôn là cụm từ ám ảnh và nỗi kinh hoàng của nhiều người. Những tác hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần và thậm chí là tính mạng. Có một thanh niên phê ma tuý bị kích động leo lên ngồi trên bảng hiệu toà nhà cao 90m. Lực lượng cảnh sát TP.HCM đã đến ứng cứu bằng nhiều hình thức, trong đó có một tấm nệm (hình bên) được cảnh sát đưa tới dưới sân gạch của toà nhà này. Hãy giải thích công dụng của tấm nệm trong việc ứng cứu”, đây là một trong những yêu cầu nằm trong đề kiểm tra HKI môn Vật lý dành cho học sinh khối 10, Trường THPT Phú Nhuận. Phần yêu cầu này chiếm 0,5 điểm trong tổng số điểm toàn bài kiểm tra.

Thầy Ninh Thế Thường (Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Phú Nhuận)- người trực tiếp ra đề kiểm tra trên cho biết, đề kiểm tra được thực hiện không chỉ nhằm đưa Thông tư 26 đi vào trong thực tế hoạt động giảng dạy, học tập, từng bước để học sinh làm quen với đổi mới trong kiểm tra, đánh giá  môn học, mà qua đó còn là cách gắn kiến thức môn học với các vấn đề thực tế của cuộc sống. “Riêng việc đưa nội dung ma tuý đá vào trong đề kiểm tra còn mang tính giáo dục học sinh, cảnh báo các em trước tình trạng ma tuý đang trở thành nỗi ám ảnh, lộng hành, nguỵ trang dưới nhiều hình thức. Nội dung kiến thức này chỉ ở mức vận dụng thấp và chỉ chiếm 0,5 điểm nhưng sẽ giúp học sinh hiểu rằng ma tuý đá là nguy hiểm để các em tránh xa”.

Theo thầy Thường, đối tượng học sinh lớp 10 mới thay đổi môi trường học tập cũng như phương thức giảng dạy từ bậc THCS lên bậc THPT nên việc đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng chỉ được giáo viên làm “từ từ”, từng bước, song song với đổi mới phương pháp để học sinh dần thích ứng. “Dù là kiểm tra cuối HKI lấy điểm định kỳ nhưng chính cách thức đổi mới đề kiểm tra theo hướng gần gũi, chân thực, vẫn đơn giản, dễ hiểu đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đến học sinh. Các em rất hào hứng khi làm bài, áp lực kỳ kiểm tra vì thế cũng giảm đi phần nào…”.


Đề kiểm tra cuối HKI môn Vật lý khối 10, Trường THPT Phú Nhuận

Đề kiểm tra cuối HKI môn Toán dành cho học sinh khối 9 các trường THCS trên địa bàn Q.3 được Phòng GD-ĐT Q.3 ra mới đây cũng đã khiến học sinh vô cùng thích thú. Đề bám sát ma trận theo đề thi TS 10 hàng năm tại TP.HCM với các bài toán thực tế đổi mới theo cách thức hết sức thực tế. Đề nhắc đến việc đọc sách và tiền thưởng cuối năm 2020 trước ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn, yêu cầu học sinh tính thời gian đọc sách, số trang sách đã đọc và so sánh số tiền thưởng cuối năm 2018 và 2020.

Thầy Đỗ Quang Vinh (Giáo viên Toán Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3- phụ trách bộ môn Toán Q.3) cho hay, các dạng toán thực tế được đưa ra trong đề trước hết là để cho học sinh khối 9 làm quen với đề thi TS 10, định hình các vấn đề toán thực tế trong cuộc sống. “Đọc sách hay kinh tế suy thoái trước ảnh hưởng của dịch là hai trong số rất nhiều vấn đề hiện hữu và rất gần gũi với cuộc sống của mỗi học sinh. Thông qua đề kiểm tra, các em sẽ hiểu hơn rằng toán học không phải khô khan mà trái lại, toán học gắn liền với cuộc sống đồng thời nhắc nhở các em về việc đọc sách, về việc giúp đỡ, cảm thông hơn với ba mẹ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến đời sống mỗi gia đình”, thầy Vinh nói.

Thông tin thêm, thầy Vinh cho hay, từ cách ra đề thực tế này cũng nhắc nhỏ học sinh về cách học toán. Học toán không chỉ là học công thức, con số mà hiện nay toán học là toán học mở, đặc biệt là trong Chương trình GDPT 2018. Toán áp dụng rất nhiều vân đề thực tế, không còn là hàn lâm như xưa. Học toán cần phải hình dung, vận dụng vào chính các tình huống thực tế cuộc sống.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)