Làm bài thi không tốt, bị cha mẹ mắng, bạn bè trêu chọc… đều có thể dẫn đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực, thậm chí muốn tự tử ở trẻ đang dậy thì. Vậy làm sao để “cứu trẻ” ra khỏi những suy nghĩ và hành động này?
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ cần được tư vấn thường xuyên để tránh những suy nghĩ, hành động tiêu cực (ảnh minh họa)
Trẻ ngày càng dễ bị tổn thương
Cộng tác tư vấn tâm lý học đường cho một số trường tại TP.HCM, chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Ngọc Bảo Khanh nhận định, hiện nay người trẻ, nhất là học sinh đang ngày càng trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi bất cứ vấn đề gì. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, có thể do tác động của gia đình, tính cách nhưng cũng có thể do các em được nuông chiều quá, muốn gây chú ý với bạn bè hoặc do xem quá nhiều điện thoại…
“Với những em ở thể nhẹ thì chỉ cần nói chuyện, tâm tình, thể hiện sự quan tâm, yêu thương là có thể giúp các em “vượt qua sóng gió”. Tuy nhiên cũng có trường hợp phải cần đến sự hỗ trợ từ bệnh viện, kết hợp giữa phương pháp đặc trị và liệu pháp tâm lý, từng bước một. Với những trường hợp ở thể nặng, nếu đơn thuần là tư vấn tâm lý thì chỉ có thể hỗ trợ được ngày một, ngày hai và chỉ làm giảm các triệu chứng. Khi gặp phải những tác động từ bên ngoài dù rất nhỏ như bạn bè trêu đùa, giáo viên nhắc nhở, ba mẹ nặng lời hay điểm số học tập không như ý; các em hoàn toàn có thể nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Và lần sau sẽ nghiêm trọng hơn lần trước. Nguy hiểm hơn là các em có dấu hiệu trầm cảm nhưng lại không biểu hiện rõ ràng. Do vậy, gia đình, nhà trường cần phải theo sát tâm sinh lý của trẻ để có hướng can thiệp kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bà Khanh nói.
BS Lê Thanh Tân – giảng viên Khoa Sức khỏe Tâm thần, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – chỉ rõ, đối với lứa tuổi học sinh, nhất là lứa tuổi từ THCS trở đi đang trong giai đoạn dậy thì, hoàn thiện bản thân nên có thể sẽ có những dấu hiệu “nổi loạn”. Có những trẻ sự nổi loạn này trong một chừng mực nhưng cũng có trẻ sự nổi loạn lại vượt ngưỡng mà nếu không được chấp thuận hoặc bị khước từ thái quá thì sẽ dễ nảy sinh tiêu cực. Do đó, trước lứa tuổi này, phụ huynh, nhà trường không nhìn nhận, đánh giá thêm cả ở góc độ tâm sinh lý.
“Có những trường hợp lúc nào các em cũng có biểu hiện của sự không tập trung, khiến gia đình và nhà trường than phiền. Nhưng thực tế chúng ta phải hiểu, các em không tập trung là do thế giới thực tại không đủ hấp dẫn để thu hút các em nên các em phải sống trong thế giới riêng, thế giới tưởng tượng của mình. Để đưa các em trở về với thực tại thì chỉ có tình yêu thương, sự kiên trì, tạo lập được niềm tin ở các em”, BS Tân nhấn mạnh.
Theo BS Tân, nhìn nhận đúng sự nổi loạn để cùng “nổi loạn” với các em, định hướng các em đi đúng làn, đúng lối, có những ý nghĩ tích cực, sẽ giúp hạn chế được phần nào những suy nghĩ tiêu cực của các em trong giai đoạn này.
Trẻ 10 tuổi không giống trẻ 2-3 tuổi
ThS. Nguyễn Hồ Thụy Anh – thành viên Hiệp hội Tâm lý TP.HCM – cho hay: Có rất nhiều trẻ hiện nay cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình, nhà trường. Cảm giác cô đơn nếu chi phối quá lớn mà không có cơ hội được tỏ bày sẽ dễ nảy sinh những hành vi tiêu cực. Thực ra, trẻ sẽ không cảm thấy cô đơn nếu các em nhìn ra được, hiểu được vai trò của mình với những người xung quanh; nếu biết được rằng các em quan trọng đối với gia đình, bạn bè mình. Như vậy, cốt lõi vấn đề là chỉ cần chúng ta cho trẻ nhìn ra được vai trò đó bằng chính hành động mỗi ngày. Và hành động đó là không phán xét trước bất cứ vấn đề nào của trẻ. Trước những vấn đề nghiêm trọng hãy cố gắng đơn giản hóa để trẻ cảm thấy được sẻ chia, từ đó mở lòng mình. Tuy nhiên, nếu yêu thương thái quá có thể khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt.
“Thực tế rất nhiều phụ huynh luôn mang trong mình hình ảnh con hồi nhỏ (từ 0-6 tuổi), mang cách giáo dục dành cho con trong giai đoạn này để áp dụng khi con đã 10 tuổi, 15 tuổi, 18 tuổi. Khi con lớn, tâm sinh lý phát triển, tư duy, cảm quan, thế giới quan của con đã khác. Do đó quan điểm sống và cách nhìn nhận của con trong cùng một vấn đề cũng sẽ khác với ba mẹ. Mâu thuẫn phát sinh từ chính góc nhìn này. Nếu mâu thuẫn kéo dài, không được giải quyết thì sẽ là một trong những nguyên nhân khiến trẻ nảy sinh những suy nghĩ, hành động tiêu cực…”, ThS. Thụy Anh cho biết.
Lời khuyên được chuyên gia đưa ra là trong bất cứ mâu thuẫn nào hãy để trẻ được phản biện, được nói lên suy nghĩ của mình và từ từ cùng trẻ “cởi nút thắt”. Quan trọng nhất là gia đình cần thay đổi phương pháp giáo dục trẻ trong các độ tuổi khác nhau. Cùng với gia đình là nhà trường, không bảo thủ trong tư duy giáo dục trẻ mà phải linh hoạt, tạo điều kiện để trẻ được lên tiếng, được bày tỏ…
Bài, ảnh: Đổ Thắm
Bình luận (0)