Đám mây hình thành phía trên núi lửa Arsia Mons trước bình minh, sau đó mở rộng với tốc độ lên tới 600km/h rồi tan biến.
Các nhà khoa học sử dụng camera "Webcam sao Hỏa" trên tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để theo dõi vòng đời của Đám mây dài Arsia Mons (AMEC) và phát hiện một số thông tin mới, Cnet hôm 9/3 đưa tin. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí JGR Planets.
Đám mây dài 1.800km trên núi lửa sao Hỏa.
AMEC xuất hiện phía trên núi lửa Arsia Mons theo mùa. Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học thấy đám mây, nhưng họ rất khó nghiên cứu vì nó tan biến nhanh và việc dùng tàu vũ trụ trên quỹ đạo sao Hỏa để theo dõi cũng không dễ. Webcam sao Hỏa có tầm nhìn rộng nên được sử dụng để nghiên cứu AMEC.
"Nhiều tàu quỹ đạo sao Hỏa chỉ có thể quan sát vùng núi lửa Arsia Mons vào buổi chiều do đặc điểm quỹ đạo của chúng. Vì vậy, đây thực sự là lần đầu tiên nghiên cứu chi tiết cấu trúc thú vị này", đồng tác giả nghiên cứu Agustin Sánchez-Lavega, chuyên gia tại Đại học Basque Country, cho biết.
AMEC xuất hiện vào mùa xuân sao Hỏa, có thể dài tới 1.800km và rộng 150km. "Đây là đám mây núi lớn nhất từng quan sát trên sao Hỏa. Nó hình thành khi gió bị buộc đẩy lên cao do các đặc điểm địa hình như núi hoặc núi lửa trên bề mặt hành tinh", ESA cho biết.
AMEC xuất hiện rồi biến mất mỗi ngày, trong vòng 80 ngày hoặc hơn. Đám mây bắt đầu hình thành trước khi Mặt Trời mọc rồi phát triển với tốc độ rất nhanh trong khoảng hai tiếng rưỡi. Nó có thể mở rộng với tốc độ lên đến 600km/h trước khi dừng lại. Sau đó, đám mây tách khỏi nguồn ban đầu, lan rộng hơn rồi bốc hơi vào cuối buổi sáng.
Trên Trái đất cũng có loại mây núi tương tự, nhưng chúng không đạt tới độ dài ấn tượng như AMEC. "Nếu hiểu đám mây này, chúng ta sẽ có cơ hội thú vị để tái tạo sự hình thành của đám mây bằng các mô hình, qua đó nắm thêm thông tin về hệ thống thời tiết ở sao Hỏa và Trái đất", Sánchez-Lavega nói.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)