Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nghiên cứu chuyên sâu để bồi bổ kiến thức giảng dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Với PGS.TS Võ Trung Hùng, nghiên cứu chuyên sâu là cách tốt nhất để bồi bổ kiến thức giảng dạy phù hợp thực tế hiện nay

Đang có công việc ổn định tại một doanh nghiệp với mức lương cao, chàng trai trẻ Võ Trung Hùng (nay là PGS.TS – Trưởng ban Khoa học Công nghệ kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm, ĐH Đà Nẵng) lại rẽ theo con đường dạy học. Những năm tháng đi trên con đường ấy, ngoài công việc giảng dạy, thầy đã có nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao…

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hùng nói có lẽ sự lựa chọn ấy là do thầy cảm thấy mình phù hợp hơn với con đường giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu.

Năm 1991, tốt nghiệp cử nhân toán Trường ĐH Khoa học Huế, chàng trai trẻ Võ Trung Hùng xin về Trung tâm Phần mềm Đà Nẵng làm việc. Những năm 90 của thế kỷ 20, ngành CNTT ở Việt Nam còn rất mới mẻ, đa phần những người làm ngành này đều chuyển từ chuyên môn toán sang. Với đặc thù ngành nghề, cũng như bao đồng nghiệp khác, thầy Hùng tự tìm tòi tài liệu để học, để đọc, nghiên cứu và ứng dụng. Năm 1994, thầy quyết định chuyển sang giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, rồi trở thành giảng viên chính. Thầy Hùng bảo, trong điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn, thầy lại vừa mới theo nghề giáo nên bước đầu phải hệ thống lại kiến thức, bổ sung sâu rộng thêm các kiến thức để áp dụng vào thực tế giảng dạy nhằm thích ứng với môi trường làm việc mới.

Năm 36 tuổi, PGS.TS Võ Trung Hùng hoàn thành chương trình tiến sĩ; năm 39 tuổi, vinh dự được Chủ tịch nước phong hàm phó giáo sư. 

Đứng trên bục giảng, thầy Hùng là một giảng viên nghiêm khắc. Thầy luôn yêu cầu sinh viên phải đọc tài liệu trước khi lên lớp, thay vào đó trong giờ học chủ yếu là trao đổi và thảo luận nhóm, giải quyết các bài toán thực tiễn, giải đáp thắc mắc. “Điều này giúp sinh viên rèn luyện khả năng tự học, phương pháp làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ cũng được cải thiện do phải tự nghiên cứu tài liệu và đặc biệt là khả năng vận dụng lý thuyết vào giải quyết các bài toán thực tiễn. Đồng thời giúp các em hiểu sâu hơn kiến thức và có khả năng vận dụng tốt hơn rất nhiều so với việc đọc chép”, thầy Hùng cho biết.

Đối với bài tập của sinh viên, thầy luôn chú ý chấm, sửa rất kỹ, từ lỗi chính tả cho đến dấu câu, để nhắc nhở các em cẩn thận khi làm bài. Ngoài ra, thầy luôn khuyến khích sinh viên học hỏi, điều gì chưa rõ, thầy sẵn sàng giải đáp qua email. “Hỗ trợ kịp thời cho sinh viên những thắc mắc là cách tốt nhất giúp các em học tập, kích thích nghiên cứu khoa học”, thầy Hùng nói.

Thầy cho biết thêm: “Tôi kỹ tính trong việc giảng dạy, đã yêu cầu sinh viên phải nghiêm túc trong học tập thì chính bản thân mình cũng phải luôn tự làm mới, phải tìm tòi để cập nhật kịp thời kiến thức, nhất là với yêu cầu của CNTT luôn đổi mới. Và cách tốt nhất để hỗ trợ giảng dạy đó là làm công tác nghiên cứu chuyên sâu”. Với quan điểm đó, chỉ trong vòng chưa đến 5 năm, từ năm 2010 đến 2015, thầy Hùng đã thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học, công bố 27 bài báo, trong đó có 7 bài trên tạp chí quốc tế và 11 bài trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế; xuất bản sách bằng tiếng Pháp về Phương pháp và phần mềm công cụ trong bối cảnh đa ngôn ngữ) do Nhà xuất bản Editions Universitaires Européennes xuất bản. Tháng 6-2015, Trung tâm Phát triển phần mềm ĐH Đà Nẵng (SDC) đã phối hợp với Microsoft Việt Nam và Công ty Asus Việt Nam tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu sản phẩm SmartBook. Đây là một bước đột phá góp phần đổi mới phương pháp dạy và học do thầy Hùng và các cộng sự nghiên cứu sáng tạo. SmartBook được Microsoft chọn là sản phẩm giáo dục tiêu biểu của Việt Nam trình bày tại sự kiện lãnh đạo Tập đoàn Microsoft toàn cầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, thầy Hùng còn có hai phần mềm đăng ký bảo hộ bản quyền bởi Inter Deposit Digital Number của châu Âu về nhận dạng tự động ngôn ngữ – mã hóa trên văn bản (SANDOH) và dịch tự động đa ngữ (TRAWEB). Các phần mềm này đã được ứng dụng ở nhiều hệ thống thông tin trên thế giới. Cùng với các công trình nghiên cứu của mình, thầy Hùng còn hỗ trợ nhiệt tình cho giảng viên, sinh viên trong các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao và rộng rãi như: Hệ thống phần mềm đào tạo tín chỉ, hệ thống quản trị Trường ĐH EduSmart…

Hiện vừa phải đảm nhận nhiều vị trí công việc nhưng thầy Hùng vẫn miệt mài với những ý tưởng về các công trình nghiên cứu. “Nghiên cứu chuyên sâu là cách tốt nhất để bồi bổ kiến thức giảng dạy trong thời đại khoa học công nghệ bùng nổ như hiện nay và CNTT là một ngành đặc thù luôn đòi hỏi sự đổi mới”, thầy Hùng nói.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)