Năm học 2014-2015 vừa qua là một năm tôi nhận được khá nhiều niềm tin từ học sinh. Tôi sẵn sàng lắng nghe các em tâm sự những điều khó nói. Thường, tôi vẫn nói với các em: “Thầy luôn sẵn sàng lắng nghe những điều các em muốn tâm sự. Bất cứ vấn đề gì, từ chuyện gia đình đến chuyện tình yêu, nếu các em không biết chia sẻ cùng ai thì cứ chia sẻ với thầy. Những lúc như vậy, các em cứ xem thầy như một người bạn thực thụ để các em trải lòng…”. Và thế là, tôi đã thu nhận được những nỗi niềm sâu kín của các em. Phần lớn những điều các em muốn chia sẻ là chuyện áp lực học hành từ gia đình.
Những ngày đầu năm học, em N. rất tích cực xây dựng bài, thế nhưng trông em lúc nào cũng buồn. Mặc dù tôi động viên nếu có gì thì tâm sự cùng thầy nhưng em vẫn ái ngại. Một hôm sắp kết thúc tiết học, em đứng dậy: “Thưa thầy, giờ ra chơi em nói chuyện với thầy được không ạ?”. Tôi nhận lời. Khi cả lớp xuống sân, chỉ còn hai thầy trò trên lớp, chưa nói được câu nào mà nước mắt em cứ tuôn ra cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào. Em buồn vì cha mẹ, nhất là người cha của mình ít khi chia sẻ cùng con cái. Áp lực nặng nề của việc học tập cũng như chuyện từ gia đình đã làm em tổn thương. Điều em muốn nói với cha thì em đã không thể nói, bởi mỗi lần nói cha em đều bác bỏ… Kể từ hôm đó, em càng đặt niềm tin vào tôi. Tôi cho N. số điện thoại và dặn: “Những lúc nào buồn, em cứ gọi cho thầy. Lúc nói chuyện cùng thầy, chắc chắn nỗi buồn đó sẽ vơi đi”. Tôi sợ xảy ra điều không hay khi em suy nghĩ chưa chín chắn, nên tôi sẵn sàng chia sẻ. Suốt một năm qua, biết bao lần N. nói: “Em cám ơn thầy!”…
Một buổi học nọ, tôi vừa bước vào lớp, em T. bước lên đưa cho tôi một lá thư. Trong thư T. cho biết, do bài làm thi định kỳ môn vật lý không tốt khiến em rất lo lắng. Nếu như chỉ đọc những lời đó thì thấy sự lo lắng ấy là bình thường, nhưng khi nghe em tâm sự, ẩn sâu trong những dòng chữ ấy lại là áp lực việc học từ mẹ của em. Vừa nói chuyện em vừa khóc. Em nói: “Em không thể chịu được áp lực của mẹ. Mẹ bắt em phải học thật giỏi để được lên lớp chọn. Nhưng em đã cố gắng hết mình rồi”. Tôi nói với em rằng, em cần tâm sự rõ cho mẹ hiểu năng lực của mình và em cũng đã cố gắng hết mình rồi thì mẹ sẽ hiểu. Em trả lời: “Mẹ em không chịu nghe thầy ạ. Thầy có thể gọi điện nói cho mẹ em hiểu được không?”. Tôi đồng ý. Vừa lúc đó giáo viên chủ nhiệm bước vào lớp, thế là chúng tôi cùng nhau trao đổi. Và chính cô chủ nhiệm là người gọi điện giải thích cho phụ huynh. Từ đó, em đã tự tin hơn trong việc học của mình.
Là cha mẹ, kỳ vọng con cái học tốt là lẽ đương nhiên. Song, đừng vì bệnh thành tích mà gây áp lực nặng nề cho con cái. Cha mẹ hãy biết lắng nghe và chia sẻ cùng con cái của mình. Đừng tạo cho con có khoảng cách với cha mẹ từ điều dễ nói trong cuộc sống đời thường lại là “điều con không thể nói”.
Hoàng Thái Hùng
Bình luận (0)